Lỗi từ… hệ thống
Bình luận 01/11/2018 08:12
Không phải đến bây giờ, những sai phạm về lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mới bị phát hiện. Và cũng không phải đến bây giờ dự án khu đô thị Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh mới xảy ra những sai phạm phải công khai xin lỗi người dân. Và sự việc hai năm trước, cây cầu bắc qua suối Rộc (xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), chỉ hoàn thành thân cầu, còn đường dẫn lên cầu không có, mặc cho người dân đi lại gặp khó khăn, nguy hiểm. “Mới toanh” nhất là chuyện tại một trại cai nghiện ma túy ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) công khai bán thứ “hàng chết chóc” nhưng các cơ quan, lãnh đạo địa phương chỉ biết khi báo chí đưa tin.
Mấy ví dụ trên cho thấy hệ thống chính trị nhập cuộc thiếu quyết liệt, không đến nơi đến chốn, ít đổi mới, sáng tạo; nhiều nơi buông lỏng lãnh đạo, quản lí. Cần thẳng thắn thừa nhận, trước những hạn chế, sai sót ở các ngành, các cấp, các địa phương, lỗi trước hết thuộc về người đứng đầu cấp ủy Đảng nơi đó. Bởi ai cũng biết, hệ thống chính trị gồm các tổ chức (thiết chế): cấp ủy Đảng các cấp, cơ quan Nhà nước từ địa phương đến Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác như Công đoàn, Nông dân, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh. Hệ thống chính trị gắn liền với quyền lực chính trị của Nhân dân, được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do Nhân dân giao phó và ủy quyền; là phương thức quan trọng để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình dưới các hình thức, cấp độ khác nhau được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Trước đây, Nhân dân ta rất tự hào về hệ thống chính trị hùng hậu, hoạt động thống nhất, tạo được hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế. Ngày nay, hệ thống chính trị có đội ngũ công chức, viên chức đông đảo, được đào tạo cơ bản, hằng tháng được Nhà nước chi trả khoản tiền lương rất lớn nhưng hiệu quả công việc chưa tương xứng.
Đất nước không thể phát triển bền vững nếu hệ thống chính trị vận hành thiếu đồng bộ, khoa học. Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, vì lợi ích nhóm sẵn sàng thông đồng bòn rút đất đai, tiền bạc, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cần sàng lọc, tổ chức thi tuyển chặt chẽ hơn người vào làm việc trong hệ thống chính trị. Đưa ra khỏi hệ thống người có uy tín thấp, người đã bị xử lí kỉ luật. Phải chọn người thực sự có đức, có tài vào vị trí đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Cần tăng cường cơ chế cá nhân chịu nhiệm về những yếu kém của cơ quan, đơn vị mình. Người dân mong hệ thống chính trị nâng cao trách nhiệm hơn nữa, nắm bắt kịp thời tình hình mọi mặt trong phạm vi quyền hạn, chấn chỉnh xử lí, hạn chế những yếu kém, tiêu cực xảy ra, phát huy tốt hơn quyền của Nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tường Minh