Loại bỏ và... cách li!
Trong mắt người già 16/04/2024 15:03
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên buộc bồi hoàn cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng |
Tất cả 86 bị cáo đều nhận bản án phù hợp với tội trạng do mình gây ra. Theo dõi vụ án ta thấy, các bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Nhưng tòa cũng ghi nhận, quá trình điều tra và xét xử, hầu hết các bị cáo khác thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án; có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả.
Vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã khép lại với rất nhiều nhức nhối. Ngoài án tử hình, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát buộc phải bồi thường cho Ngân hàng SCB gần 674 nghìn tỉ đồng. Qua vụ án này cho thấy, một số cán bộ Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng suy thoái chính trị, đạo đức, biến chất về lối sống, nhận tiền, quà của SCB để làm trái quy định công vụ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Sau khi nhận số tiền đặc biệt lớn (5,2 triệu USD) bị cáo Đỗ Thị Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỉ đồng; làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB theo hướng có lợi cho ngân hàng này. Bị cáo Nhàn là người có nghiệp vụ cao trong lĩnh vực ngân hàng, trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng nhưng lại sử dụng năng lực ấy để che giấu sai phạm tại SCB. Nhàn phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi của mình.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng là người ra quyết định thanh tra Ngân hàng SCB, là người chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại SCB, tiếp nhận báo cáo và báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra. Tuy nhiên, vì bị cáo đã nhận số tiền 390.000 USD của SCB nên đã chỉ đạo bị cáo Nhàn và các thành viên trong đoàn che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lí theo quy định của pháp luật.
Lần đầu tiên ở Việt Nam có nữ doanh nhân bị “loại khỏi đời sống xã hội” vì đã dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền cực lớn. Ngoài ra, 4 người bị “cách li vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”. Điều đó nên vui hay buồn?