Lập “hattrick” giải thưởng doanh nghiệp niêm yết năm 2018, Bảo Việt vẫn lọt vào danh sách bị cưỡng chế thuế
Doanh nghiệp - Doanh nhân 03/10/2019 16:08
Năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt lập “hattrick” giải thưởng doanh nghiệp niêm yết năm 2018. (Ảnh: thuonghieucongluan.opmoc.com) |
Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, ngày 29/7/2019, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Bảo Việt với mức phạt là hơn 40 triệu đồng.
Nội dung quyết định xử phạt của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ, Tập đoàn Bảo Việt do ông Đỗ Trường Minh đại diện theo pháp luật trên cương vị là Tổng giám đốc đã có hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh số thuế phải nộp theo quy định. Số tiền tập đoàn Bảo Việt bị phạt là hơn 40,4 triệu đồng.
Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Bảo Việt còn phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu là hơn 202 triệu đồng. Do Tập đoàn Bảo Việt đã nộp khoản tiền này trước khi quyết định xử phạt được ban hành nên đơn vị này chỉ còn phải nộp số tiền phạt.
Trước đó, vào năm 2018, tại Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt đã chinh phục các thành viên Hội đồng bình chọn với kết quả nổi bật, đứng đầu cả 3 hạng mục giải: Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất của nhóm Large Cap; Top 5 doanh nghiệp có báo cáo quản trị công ty tốt nhất và Giải Nhất Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) được vinh danh ở hạng mục Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất của nhóm Mid Cap.
Cuộc bình chọn này do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và báo Ðầu tư Chứng khoán đồng tổ chức.
Điều lạ là, cùng trong năm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) lại có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế và Tập đoàn Bảo Việt cũng nằm trong danh sách những đơn vị bị cưỡng chế thuế.
Quyết định xử phạt của Cục Thuế Hà Nội. |
Ngoài những “lùm xùm” về thuế, Tập đoàn Bảo Việt còn được biết đến với những dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm nay.
Trong đó, dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Theo quảng bá, tòa Tháp Tài chính Quốc tế IFT có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%.
Dù vậy, suốt nhiều năm qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc.
Bên trong dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT một phần là bãi đỗ xe còn lại là bãi cỏ hoang. |
Tương tự, Dự án xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.
Một dự án khác mới đây bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm đó là dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn.
Cách đây chưa lâu, vào năm 2014, hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt cũng từng bị khởi tố vì nhiều sai phạm, gây thất thoát số tiền lớn cho Nhà nước.