Làm kinh tế vừa làm từ thiện
Tuổi cao gương sáng 12/04/2023 09:54
Làm kinh tế gia đình
Các thôn Lam Phụng, Bàng Tân, Hà Nha của xã Đại Đồng có nhiều cơ sở làm hương. Đặc biệt là các cơ sở, hộ tư nhân làm hương đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn địa phương. Trước kia, hộ sản xuất làm hương thủ công của vợ chồng ông Rạng chỉ có một lao động phụ giúp. Cái thời chân đạp, tay phóng tăm cho ra được cây hương quá cực! Công sức bỏ ra nhiều nhưng năng suất không cao, thu nhập lại thấp. Tổ, hộ nào muốn sản phẩm tốt hơn, cung ứng cho khách hàng kịp thời đều phải trang bị máy móc. Hai ông bà tích cóp dần, mua sắm máy móc cho “bằng chị bằng em”. Nhận thêm lao động, mở rộng sản xuất. Trầm viên, hương trầm, hương cây, giác trầm… được sản xuất từ bột trầm tự nhiên lấy từ cây dó bầu, không tẩm hóa chất.
Ông Rạng, bà Bê. |
Sản phẩm của ông bà được bạn hàng nhiều nơi, nhất là Đà Nẵng, Khánh Hòa và cả Hà Nội tin dùng. Thời gian gần Tết, sản xuất không kịp. Ngoài 5 lao động thường xuyên, làm 8 tiếng còn phải tuyển thêm lao động thời vụ, làm tăng ca mới kịp giao sản phẩm. Lúc ấy người lao động được bao cơm trưa, thu nhập 300 nghìn đồng/ngày.
Làm từ thiện giúp cộng đồng
Hơn 10 năm trước, ông Rạng bị tai biến phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. May mắn là ông được chữa trị kịp thời, hồi phục nhanh. Ông Rạng kể, một lần nhờ người nhà mua cháo trước cổng Bệnh viện ăn sáng. Gặp phải bát cháo dở, nuốt không vô, ông nghĩ đến các bệnh nhân khác chắc cũng gặp trường hợp như mình.
Ông đem việc này kể với bà Bê. Sau khi ra viện, hai vợ chồng phát tâm làm việc thiện. Bà Bê kể chuyện với bà Châu và một số chị em khác trong thôn. Mọi người đồng ý tổ chức nhóm thiện nguyện. Nhóm đăng kí với Bệnh viện lịch tặng cháo cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn vào ngày 23 và 24 hằng tháng. Trước hôm mang cháo đến Bệnh viện, bốn, năm bà tập trung tại nhà bà Bê cắt, gọt cà rốt, khoai tây, hành, nấm, rửa sạch để đó. Một giờ sáng bắt đầu nấu cháo (20 kg gạo) đến bốn giờ sáng, sau đó cho cháo vào các xô nhựa mang ra xe chuyển đi. Mỗi lần gồm 500 suất cháo và 40 thùng mì tôm, tổng cộng 2,5 triệu đồng. Thành viên trong nhóm người góp 100 nghìn đến 200 nghìn hoặc nhiều hơn. Khi nào kinh phí hụt lại bỏ tiền túi góp vô. Bà Châu là người chủ công đi vận động các nhà hảo tâm trong thôn, xã ủng hộ quỹ. Bà Bê chỉ đạo chế biến nguyên liệu, nấu cháo. Ông Rạng đi xin củi làm chất đốt ở các cơ sở cưa xẻ, mộc. Các chị Thanh, Phương, Lựu, Bộ, ông Vinh, Cường… là những thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện hoạt động hơn 10 năm nay.
Vợ chồng ông Rạng, bà Bê đều là hội viên Hội NCT, vừa làm kinh tế nâng cao đời sống gia đình, vừa không quên những người khó khăn trong cộng đồng đang cần sự giúp đỡ.