Kì thi THPT quốc gia: Sẽ bảo đảm thực chất, công bằng hơn
Giáo dục 19/09/2018 10:33
Theo Cục trưởng Cục Quản lí Chất lượng Mai Văn Trinh, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT đã thống nhất những điểm quan trọng cần được điều chỉnh trong Kì thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm sau.
Qua thảo luận, đồng thời nhìn lại 4 năm tổ chức kì thi THPT Quốc gia, các Sở GD&ĐT đề nghị tiếp tục duy trì ổn định kì thi THPT Quốc gia đến hết năm 2020. Những điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức phải diễn ra theo hướng giúp kì thi ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn.
Lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kì thi, điều chỉnh về kĩ thuật trong tổ chức thi, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu... là một số đề xuất phương hướng cho kì thi THPT Quốc gia năm 2019 và năm 2020.
Mặc dù chưa chốt phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kì thi năm sau, nhưng theo ông Mai Văn Trinh, các thay đổi, điều chỉnh trong kì thi THPT Quốc gia 2019 và những năm tới đây đều đã được bàn thảo kĩ, hướng tới bảo đảm cho kì thi thực chất, công bằng và thuận lợi hơn cho thí sinh. Những thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kĩ thuật, các điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Đây là yếu tố quyết định để các em học sinh yên tâm học tập.
Đánh giá về kì thi THPT Quốc gia năm 2018, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, công tác phối hợp nhìn chung thuận lợi, hiệu quả hơn các năm trước đây. Kì thi THPT quốc gia 2018 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh. Những kết quả đạt được của Kì thi là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và những nhà quản lí giáo dục ở các địa phương. Đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức kì thi THPT Quốc gia những năm tới.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn thi trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD&ĐT chủ động trong triển khai kế hoạch năm học. Thi không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng hơn là tổ chức giảng dạy để học sinh có kiến thức, kĩ năng tốt nhất bước vào kì thi, cũng như sẵn sàng bước vào cuộc sống.
Hà Lê