Kì thi THPT Quốc gia 2018: Xử lí nghiêm các hành vi vi phạm quy chế thi
Giáo dục 22/06/2018 08:28
Theo quy chế, thí sinh bị khiển trách sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi; bị cảnh cáo sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi. Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài.
Thí sinh giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kì thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp sẽ bị hủy kết quả thi. Các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các cơ quan quản lí giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: "Thí sinh mang điện thoại di động hay thiết bị vào phòng thi, dù sử dụng hay không sử dụng đều bị hủy kết quả thi. Đương nhiên, cán bộ coi thi không được mang các thiết bị đó vào trong trường thi. Đây là điều sẽ rút kinh nghiệm trong tất cả 63 ban chỉ đạo cũng như các điểm thi trong cả nước".
Để bảo đảm cho kì thi khách quan, nghiêm túc, công bằng thì thanh tra là một trong những công tác quan trọng. Việc thanh tra thi đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo lên kế hoạch từ rất sớm. Từ tháng 4/2018, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các Sở GD&ĐT tổ chức công tác thanh tra. Đồng thời, tổ chức tập huấn công tác thanh tra cho lãnh đạo và Chánh thanh tra các Sở GD&ĐT để thống nhất nhận thức về việc tổ chức thanh tra, kiểm tra kì thi THPT quốc gia 2018. Bộ cũng cử các đoàn kiểm tra công tác tổ chức thi tại các địa phương. Điểm mới tại kì thi năm 2018 là: Các Sở GD&ĐT bố trí lực lượng thanh tra cắm chốt thanh tra độc lập đối với các điểm thi.
Nhiều học sinh được tư vấn tâm lí để vượt qua áp lực thi cử
Việc thanh tra được phân tuyến rõ để tránh chồng chéo, Thanh tra Bộ GD&ĐT có quyền thanh tra tất cả các hội đồng thi, ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị thi đến coi thi, chấm thi. Thanh tra của các sở cắm chốt ở tất cả các điểm thi. Ngoài ra, còn có lực lượng thanh tra lưu động của Bộ và của các sở để kịp thời thanh tra các điểm nóng. Bộ GD&ĐT và các sở cũng có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh từ thí sinh và người dân.
Năm nay, cả nước có 2.144 điểm thi, như vậy có gần 4.300 thanh tra cắm chốt. Bên cạnh lực lượng thanh tra cắm chốt, theo quy định, tối thiểu 7 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát.
Những nơi có các phòng thi cách xa nhau thì có thể 5 phòng, hoặc thậm chí 4 phòng thi một giám sát. Cán bộ giám sát là người giám sát giám thị để bảo đảm việc coi thi nghiêm túc. Giám sát có thể đề nghị thay giám thị nếu thấy có biểu hiện không bảo đảm công tác coi thi.
Vấn đề gian lận trong thi cử khó tránh khỏi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, giám thị tăng cường nhắc nhở và giám sát chặt chẽ khi gọi thí sinh vào phòng thi thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Còn khi đã xảy ra thì bình tĩnh xử lí đúng quy chế, cần thiết thì phối hợp với lực lượng công an xử lí nhanh.
Trong điều kiện công nghệ cao hiện nay, thiết bị gian lận được ngụy trang bằng nhiều cách, hình thức gian lận cũng phức tạp, tinh vi, Bộ đã phối hợp với A83 và công an các địa phương, chỉ đạo vào cuộc quyết liệt.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kì thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 25 - 27/6, với 5 bài thi, gồm ba bài thi độc lập các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (gồm các phân môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm các phân môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân). Trong đó, ba bài thi độc lập là bắt buộc, thí sinh được quyền chọn một trong hai bài thi Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên để dự thi.
A.T