Kì thi THPT Quốc gia 2018: Thí sinh quyết tâm vượt... khó!
Giáo dục 27/06/2018 09:10
Giám sát chặt chẽ
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sáng 26/6 có gần 350.000 thí sinh dự thi Tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh), thời gian làm bài 150 phút.
Ngoài ra, còn có một tỉ lệ nhất định thí sinh dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Bộ GD&ĐT, điểm mới của kì thi THPT quốc gia 2018 là thời gian chuẩn bị giữa hai môn thi thành phần của bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút, giảm một nửa so với năm 2017. Việc điều chỉnh này nhằm tránh lộn xộn và bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công bằng.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ kí của cán bộ coi thi).
Với thí sinh không thi đủ cả ba môn thi thành phần nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lí được giám thị xem xét cho phép ra ngoài phòng thi. Tuy nhiên, thí sinh phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho giám thị, chịu sự quản lí và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng thi.
Đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên khó và dài
Theo các giáo viên môn Vật lí, nếu như năm 2017, thí sinh có lực học trung bình dễ dàng lấy được 5 - 6 điểm thì năm nay chỉ có thể đạt 4,5-5,5 điểm. Phần kiến thức lớp 11 chủ yếu nằm trong nội dung trọng tâm nên thí sinh cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Đề thi không có câu hỏi đánh đố thí sinh, tuy nhiên, những câu hỏi dạng phân loại dành cho thí sinh khá, giỏi có phần khó hơn năm trước.
Đề thi môn Hóa được cho là quá nặng về tính toán. Nếu thí sinh không có kinh nghiệm giải toán nhiều sẽ khó lòng hoàn thành trọn vẹn bài thi. Cô giáo dạy Hóa, Nguyễn Thúy Hà nhận xét: "Đề Hóa 2018 khó hơn năm ngoái và khó hơn đề minh họa của Bộ. Nhưng phải nói là đề rất hay, bao quát cả chương trình 12 và 11, đặc biệt ở 20 câu đầu, học sinh có thể lấy điểm dễ dàng. Ở những câu sau độ khó tăng dần, đây là sự chọn lọc học sinh, các em có tư duy tốt mới đạt điểm cao".
Môn Sinh vật có 40 câu trắc nghiệm. Theo đánh giá của cô Đặng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, đề thi môn Sinh không khó nhưng quá dài khiến thí sinh phải chạy đua với thời gian: "Nhiều em không đủ thời gian để làm. Dù không có câu hỏi nào lắt léo, đánh đố ".
Môn Anh văn tính phân loại cao
Vào buổi chiều, đề thi môn Anh văn có 50 câu. Một số thí sinh than đề khó, nhưng nhiều em lại phấn khởi nói mình làm được bài. Khoảng 30 câu hỏi tương đối dễ với các học sinh khá, giỏi. Còn 10 câu đòi hỏi thí sinh phải tư duy ở phần chia động từ, nối câu… Phần ngữ pháp tương đối cơ bản, bao hàm kiến thức học trong 3 năm phổ thông. Thí sinh Nguyễn Thế Nghĩa, tại điểm Trường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, dù là dân yêu ngoại ngữ nhưng em thấy đề khó, quá dài so với thời gian 60 phút. Với 3 đoạn văn là khá dài. Thí sinh Đinh Vũ Thu Huyền, điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hồ Chí Minh cho biết: Đề thi vừa sức, không quá khó, sẽ có nhiều bạn đạt 7 - 8 điểm, còn điểm 9, 10 chắc chắn ít.
Kết thúc ngày thi thứ hai, nhiều phụ huynh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chia sẻ là rất hài lòng với cách tổ chức như kì thi năm nay, không chỉ giảm chi phí cho gia đình, xã hội mà còn tạo được những ấn tượng tốt đẹp. Những năm trước gia đình có con đi thi cả nhà cùng phải thi theo, lo đủ thứ. Nay đưa con đến trường thi xong, bố mẹ vẫn có thể đi làm bình thường.
Kim Long