Kì thi THPT Quốc gia 2018: Ngày đầu an toàn và thuận lợi
Giáo dục 26/06/2018 08:56
Để bảo đảm cho kì thi THPT quốc gia diễn ra an toàn, nghiêm túc, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể đến các sở, ban, ngành và các quận, huyện trên địa bàn triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cần thiết trong thời gian diễn ra kì thi.
Tại các điểm thi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ…. Các bạn sinh viên và thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi tham gia trợ giúp, hướng dẫn thí sinh, người nhà thí sinh trong việc đến điểm thi và chỗ nghỉ ngơi thuận lợi nhất. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa điểm tổ chức thi, các bến xe… Công tác an ninh trật tự trước điểm thi được chú trọng. Lực lượng công an giao thông, cảnh sát khu vực đều sẵn sàng túc trực để xử lí các tình huống nảy sinh. Đúng 7 giờ, các cổng trường thi khép lại, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thí sinh làm bài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trực tiếp kiểm tra một số điểm thi tại Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: “Các cụm thi tại địa phương trên cả nước chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo cho kì thi năm nay. Công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với các địa phương, các trường đại học, các ngành hết sức nhịp nhàng. Tuy nhiên, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lũ trước ngày thi. Tôi gửi công điện cho các tỉnh, đặc biệt là công điện nhắc nhở các Hội đồng thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh đi thi và thầy, cô giáo làm tốt công tác coi thi trong khi tình hình bão lũ diễn biến phức tạp”. PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng và nhiều cán bộ của Bộ GD&ĐT cũng đến kiểm tra công tác thi tại điểm thi ở các tỉnh thành.
Đánh giá về đề thi môn Ngữ Văn, đa số các thí sinh cho rằng: Với 4 câu, trong đó có câu hỏi về đánh thức tiềm lực kinh tế đất nước của mỗi cá nhân, là đề mở, thể hiện sự sáng tạo và vốn kiến thức thực tế nên được đánh giá "dễ thở" và khá hay. Trong phần nghị luận, yêu cầu phân tích những hình ảnh đối lập trong các tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả khiến nhiều người bất ngờ và thú vị.
Tuy nhiên, để đạt được điểm cao không phải dễ bởi theo một số thầy cô giáo dạy Văn thì câu nghị luận xã hội sâu sắc nhưng hơi rộng, nặng và trừu tượng đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức cuộc sống. Đề thi bảo đảm tính phân loại cao, để đạt trên 5 điểm với học sinh không chuyên trong môn này cũng không phải điều quá khó
Ở bài thi môn Toán buổi chiều, đề thi có 50 câu trắc nghiệm, dài 5 trang. Thời gian làm bài 90 phút. Nhiều giáo viên nhận xét, đề khó hơn năm 2017, kiến thức bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12. Đề đáp ứng được yêu cầu vừa dùng để xét tốt nghiệp, nhưng lại có tính phân loại cao để làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học.
Kết thúc ngày thi đầu, có 27 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó khiển trách 1em và đình chỉ 26 em. Với cách bố trí khá phù hợp và thuận lợi, nhiều học sinh được thi tại trường, gặp gỡ nhiều bạn bè thân quen nên đã tạo tâm lí thoải mái khi làm bài. Việc đi lại và đưa đón con gần nhà cũng khiến các bậc phụ huynh không cảm thấy áp lực và yên tâm hơn. Còn theo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đánh giá: “Ngày thi đầu tiên các điểm thi tổ chức thi an toàn, nghiêm túc và đúng Quy chế”.
Ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang, mặc dù địa phương đã cố gắng khắc phục bão lũ tối đa nhưng vẫn còn 10 thí sinh không đến được điểm thi. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Hội đồng thi nắm bắt tình hình cụ thể của từng thí sinh và báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia để có phương án xử lí phù hợp vừa đúng Quy chế vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Kim Long