Kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hòa giải, đối thoại tại Tòa cần được ưu tiên trong cải cách tư pháp
Tin tức - Sự kiện 27/11/2019 08:30
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm phát huy ưu điểm của cơ chế này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy đạo đức xã hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận |
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hằng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá, kết quả thí điểm ở 16 tỉnh vừa qua khẳng định đây là cơ chế hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và Nhà nước. Tỉ lệ hòa giải thành công đạt 78%..., đặc biệt như tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương đạt hơn 90%. Theo tính toán, mức chi ngân sách cho 1 phiên tòa sơ thẩm ít nhất 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi cho hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng - thấp hơn 4,3 triệu đồng. Việc thí điểm thời gian qua đã hòa giải thành công gần 40 nghìn vụ. Mức chi 5,5 triệu đồng cho 1 phiên tòa sơ thẩm mới là tiền công, tiền lương cho cán bộ tư pháp, còn nếu tính mức chi cho 1 phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, hay thi hành án,... thì sẽ tiết kiệm được mức chi rất lớn, đồng thời ủng hộ phương án chưa thu phí người dân khi hòa giải tại Tòa. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, hòa giải, đối thoại tại Tòa cần là bước đi ưu tiên trong cải cách tư pháp của nước ta trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn |
Đồng quan điểm trên, nhiều ĐBQH cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), ngoài quản lí xã hội bằng pháp luật thì cần quản lí bằng đạo đức, phong tục tập quán. Cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ thúc đẩy phương thức quản lí này. "Quản lí xã hội bằng cách xử lí các tranh chấp trong xã hội bằng đạo đức, phong tục, tập quán có ý nghĩa rất quan trọng với người Việt Nam. Bởi lẽ người Việt Nam coi "100 cái lí không bằng 1 tí cái tình". Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại chính là việc áp dụng đạo đức, phong tục, tập quán bằng việc phân tích cái đúng, lẽ phải, cái được, cái mất và tự nguyện chấp hành các kết quả. Ông chia sẻ kinh nghiệm tham gia hòa giải tại cơ sở, khi hòa giải thành, con người sẽ hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn, từ đó chắc chắn sẽ giảm các vụ án, tranh chấp trong thực tiễn xã hội.
Bên cạnh đó, một số vấn đề được nhiều ĐBQH cho ý kiến như: Tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên...