Khởi tố 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty tài chính
Tin tức 30/11/2020 16:58
Trước đó, cơ quan Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm của anh N.V.Đ, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La hiện là chuyên viên an ninh của Công ty tài chính Home Credit Việt Nam.
Anh Đ cho biết, từ đầu tháng 2 đến 10/2020, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam bị một nhóm đối tượng làm giả hồ sơ để vay và chiếm đoạt tổng số tiền 1.184.864.880 đồng.
Sau khi nhận được đơn trình báo cùng với tài liệu trinh sát thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình đã báo cáo Ban Giám đốc xác lập chuyên án đấu tranh.
Các đối tượng trong vụ án. |
Xác định đây là một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn tinh vi, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Ban chuyên án đã vận động các đối tượng Thái và Hưng ra đầu thú.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật và tố cáo đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Nguyễn Anh Vĩ.
Vào đầu năm 2020, qua giới thiệu của bạn bè, Thái và Hưng vào TP Hồ Chí Minh làm thuê cho Nguyễn Anh Vĩ. Khi vào TP Hồ Chí Minh, Thái được Vĩ sắp xếp ở với một số đối tượng ở tại phường Tân Quy, Quận 7. Còn Hưng ở cùng với Vĩ và 1 đối tượng khác thuê 1 căn hộ trên tầng 18 khu chung cư thuộc phường Bình Hưng, quận Bình Chánh.
Do trước đây Nguyễn Anh Vĩ từng làm nhân viên tại Công ty Home Credit nên trong quá trình làm việc, Vĩ quen T.M.T (SN 1995, đối tượng đang làm rõ), trú tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cùng là nhân viên công ty.
Khoảng đầu năm 2020, T gặp Vĩ và cả 2 bàn bạc việc lừa đảo các công ty tài chính để chiếm đoạt tiền. Vì có sẵn danh sách khách hàng đã từng giao dịch với Công ty Home Credit, nên T.M.T đã đưa cho Vĩ thông tin của một số khách hàng thân thuộc của công ty. Cả hai thống nhất, T.M.T hưởng 35%, Vĩ hưởng 65% tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt được.
Có danh sách khách hàng, Vĩ đã chỉ đạo Thái và Hưng cùng một số đối tượng làm giả hồ sơ vay tiền của 2 tổ chức tín dụng là Công ty Home Credit và FE Credit thông qua mạng viễn thông. Hàng tháng, ngoài tiền lương 5 triệu đồng, nếu lừa đảo được tiền thì Vĩ trả thêm 5% cho các đối tượng này.
Theo đó, tháng 6/2020, Hưng được Vĩ chỉ đạo dùng thông tin của anh N.H.N (SN 1977), trú tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) gọi điện đến Công ty Home Credit xin vay tiền.
Do là khách hàng thân thiết, có uy tín, nên đã được công ty cho vay 100 triệu đồng. Sau khi Công ty Home Credit xác nhận thông tin và đồng ý cho vay, Vĩ đã chỉ đạo Thái cầm chứng minh nhân dân mang tên N.H.N, nhưng được dán ảnh của Thái đến Ngân hàng ACB, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để mở tài khoản và nhận thẻ ATM.
Khi Thái mở được tài khoản, Vĩ chỉ đạo Hưng gọi điện cho Công ty Home Credit chuyển khoản tiền vay vào tài khoản Ngân hàng ACB mà Thái vừa mở. Sau khi nhận đủ số tiền vay, Vĩ chỉ đạo Thái đi rút toàn bộ số tiền trên về giao lại cho Vĩ. Nhận tiền xong, Vĩ chia cho Thái 5 triệu đồng, T 35 triệu đồng.
Ngoài ra 2 đối tượng Hưng và Thái còn khai nhận cùng với 3 đối tượng khác theo sự chỉ đạo của Vĩ đã làm giả hồ sơ vay tiền tại tổ chức tín dụng Fe Credit hơn 10 lần, với số tiền chiếm đoạt hơn 620 triệu đồng…
Quá trình làm việc với cơ quan Công an, anh N.H.N trình bày, năm 2019 có vay vốn của Công ty Home Credit và tất toán vào tháng 3/2020. Từ thời điểm đó, anh không cho mượn, thuê, cầm cố, hay ủy quyền cho ai khác đứng ra dùng chứng minh nhân dân của mình để vay mượn tiền. Còn các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn làm giả ảnh chứng minh nhân dân theo tên của khách hàng, sau đó gọi điện thiết lập hợp đồng, chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng.
Với thủ đoạn này, nhóm đối tượng do Nguyễn Anh Vĩ cầm đầu đã chiếm đoạt 100 triệu đồng của Công ty Home Credit, hơn 620 triệu đồng của tổ chức tín dụng FE Credit.
Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình khuyến cáo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua giao dịch mua hàng trả góp và hỗ trợ tài chính online là thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, có tính chất phức tạp, mới được phát hiện trong thời gian gần đây.
Việc đấu tranh với các đối tượng phạm tội hiện gặp nhiều khó khăn. Bởi đối tượng phạm tội thường sử dụng công nghệ trên không gian mạng, ở địa bàn xa. Do vậy, các vụ việc nêu trên được xem là lời cảnh báo đối với các tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh đang áp dụng hình thức mua bán trả góp, hỗ trợ tài chính online trên địa bàn tỉnh, trong việc làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát đối tượng vay, mua hàng. Đồng thời, tập trung lấp đầy các khoảng trống bảo mật về thông tin khách hàng. Nhất là khi hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản này đang có xu hướng gia tăng cùng với với hoạt động kinh doanh, giao dịch, mua bán hàng trả góp và hỗ trợ tài chính online đang phát triển nhanh, mạnh trong thời gian qua.