Khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt
Giáo dục 20/11/2018 09:56
Bác luôn quan tâm, dõi theo từng bước đi trong công việc và đời sống hằng ngày của các thầy cô giáo và các em học sinh nên bất kì tiến bộ, bất kì đóng góp nào dù là nhỏ nhất cũng được Bác kịp thời ghi nhận. Trong Bài nói chuyện với học sinh và giáo viên trường phổ thông trung học Chu Văn An (Hà Nội), năm 1958, Bác khẳng định: “Do các cháu cố gắng, do các thầy, các cô giáo cố gắng, năm nay, nhất là mấy tháng gần đây các cháu có những tiến bộ khá”.
Năm 1968, Bác viết “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp” nhân dịp khai giảng năm học và khen ngợi: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết… Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ… Bác khen ngợi những cố gắng và thành tích mà các cô các chú và các cháu đã đạt được”.
Bác lại ân cần dặn dò: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng. Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt… Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lí đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và Nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.
Những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc và những lời dạy của Bác đối với thầy cô giáo là động lực, là niềm tin vững chắc để các thầy cô giáo phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” của dân tộc. Tình cảm của Bác cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các thầy cô giáo là biểu hiện sinh động của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” - nét văn hóa, đạo đức và lối sống của người dân Việt Nam. Bác đã đi xa, nhưng lời Bác dặn dò “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành giáo dục nước nhà hôm nay.
Đỗ Thông