Khám phá đình Mỹ Xuyên
Xã hội 07/09/2023 09:23
Đình thần Mỹ Xuyên cách trung tâm huyện Mỹ Xuyên khoảng 2km, cách trung tâm tỉnh Sóc Trăng khoảng 6km về hướng Đông - Nam. Các vị cao niên trong vùng kể lại, tương truyền đình thần Mỹ Xuyên được xây dựng vào thế kỉ XIX, bằng cây lá đơn sơ để tưởng nhớ công trận của tướng Trần Văn Hòa và các tướng sĩ đã hi sinh bảo vệ nước nhà. Đến thời vua Tự Đức (1847-1883), ngôi đình được sắc phong “Bổn cảnh Thành Hoàng”.
Ông Kha Phước - Hội phó về nghi lễ đình thần Mỹ Xuyên giới thiệu về kiến trúc, lịch sử của đình thần. |
Từ đó đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, trong đó có các cột mốc đáng kể là vào năm 1880, ông Phạm Bình Cân, một địa chủ có chân trong Hội đồng Quản hạt Ba Xuyên vận động Nhân dân cùng ông đóng góp, trùng tu ngôi đình lần thứ nhất. Ban Hội tề của đình thay cột gỗ bằng căm xe, nẹp lợp mái ngói, gia công điêu khắc trang trí trong đình và cất nhà khách để phục vụ hội họp xử lí công vụ làng xã, tổ chức lễ hội.
Đến năm 1941, ông Lê Anh Quạnh - Hương chủ làng Mỹ Xuyên vận động bà con trong làng xây dựng mặt trước đình và các vách xung quanh, gia cố mái ngói, nền lót gạch tàu đỏ, mời nghệ nhân điêu khắc 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ ở ngay chánh điện. Đợt trùng tu lớn thứ ba là vào năm 2003, Ban trị sự đình vận động kinh phí lợp mái tôn màu đỏ, bê tông mặt tiền đình, sơn phết, tô điểm bên trong và ngoài đình mới mẻ, khang trang. Trong hơn một thế kỉ qua, mỗi khi ngôi đình xuống cấp thì lại được các mạnh thường quân, Nhân dân trong vùng cùng đóng góp tu sửa, bảo quản, gìn giữ nên nơi thờ tự tôn nghiêm này luôn giữ được vẻ khang trang.
Đình thần Mỹ Xuyên là một công trình kiến trúc nghệ thuật theo lối kiến trúc đình làng xưa của người Kinh Nam Bộ, cổng nhìn về hướng Đông - Bắc. Giữa sân đình là bàn thờ Thần Nông, bên trái là miếu thờ Thần Hổ, thờ Ngũ Hành. Ngôi đình phân bố ba gian theo hình chữ tam, hai bên lợp mái ngói bát vần che hai dãy hành lang. Sườn mái được đỡ bởi 4 hàng cột dọc bằng loại gỗ căm xe đã có từ lần trùng tu đầu tiên. Trên 4 cột tròn ở gian thờ chính, nghệ nhân đã đắp hình 4 con rồng quấn quanh bằng một chất bột và keo hỗn hợp rất đẹp và sinh động. Dọc trên các thanh xà ngang dọc là các bức bích họa bằng vôi vữa vẽ phong cảnh, hoa văn và các thần tích. Trên các xà ngang có treo 6 bức hoành phi bằng gỗ tốt, chữ sơn son thếp vàng. Giữa 3 gian đình được bày trí 8 bàn thờ binh tướng, Hội đồng, Thành Hoàng, Tiền Hiền và Hậu Hiền. Khánh thờ Thành Hoàng, Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền đều được làm bằng gỗ tốt, sơn son thếp vàng trang trí hoa văn sắc sảo. Trước bệ thờ thần uy nghi 2 con hạc đứng trên lưng quy, 1 con ngựa bên phải và 1 cánh võng bên trái. Đáng quý là hiện nay đình còn giữ được các di vật có giá trị như: Long đỉnh rước sắc thần, 2 con hạc, 1 con ngựa, bát bửu bằng đồng 2 bộ, lư đồng 7 bộ, hoành phi 6 bức, giá võng 1 cái, chiêng đồng 1 chiếc.
Theo Ban hội đình, vào Rằm tháng 2 âm lịch, tại đình thần Mỹ Xuyên diễn ra lễ hội Kỳ Yên, đây là lễ hội lớn nhất của đình. Theo phong tục, đến lệ cúng đình, Ban hội đình cùng bà con trong vùng tề tựu làm lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người được bình yên, cơm no áo ấm và cầu siêu cho vong linh những vị anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước. Dịp lễ, Ban hội đình rước gánh hát bội về hát 3 đêm, diễn các tuồng tích xưa thu hút đông đảo người dân khắp nơi. Ngoài ra, trong năm, tại đình còn tổ chức các lễ hạ điền, hạ niêu, lễ Vu lan.
Năm 2004, đình thần Mỹ Xuyên được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, như một sự ghi nhận về ngôi đình đã hơn trăm năm gắn kết với con người và vùng đất này.
Ông Kha Phước chia sẻ thêm: “Trước khi đi xa làm ăn, nhiều người dân đã đến đình cầu nguyện cho công việc làm ăn, mua bán của họ được thuận lợi, suôn sẻ. Những người đó sau khi làm ăn khấm khá đã trở về đóng góp xây sửa, tu bổ ngôi đình”.