Hy sinh con để bảo vệ đồng bào, đồng đội
Bình luận 09/04/2019 22:53
Đây là câu chuyện có thật 100% mà bản thân tôi đã trực tiếp chứng kiến tại Bệnh viện 76A, đóng tại núi Me Tàu tháng 5/1969.
Vào đầu tháng 5/1969, đơn vị tôi được lệnh chống càn ở cống 5 cửa, ấp Tân Lập, thuộc xã Hàng Gòn lúc bấy giờ. Rồi tiến qua Bảo Cối ngăn không cho lính Thái Lan ở rừng tre Bảo Cối. Khi rút ra thì đơn vị bị dàn pháo Tân Tây Lan ở suối Râm bắn qua, ở núi Ra Ray bắn tới. Sau pháo là tới máy bay cá lẹp, cá rô quần đảo bắn rốc két như vãi lúa, khiến nhiều đồng đội bị thương tại lô cao su không tên. Riêng tôi bị mảnh đạn làm lủng bụng, ruột lòi ra ngoài phải lấy chén sắt B52 úp vào rồi băng lại , cùng một vết thương ở tay. Vì thế đơn vị đã cấp tốc cho đi Bệnh viện 76 C, nằm ở suối sâu mé bờ Sông Ray ngược lên núi Me Tàu.
Đúng một đêm và một ngày cật lực các anh chị giao liên mới đưa các thương binh tới Bệnh viện 76C để các y , bác sỹ cứu chữa. Nằm ở Bệnh viện 76 C được 2 ngày thì anh Ba Tây ( tôi còn nhớ tên anh, bởi anh là bác sỹ, Viện trưởng) anh đến tất cả các giường bệnh thông báo: “Hiện nay lính Úc, lính Thái Lan và lính Sư 18 đang càn xung quanh đây để tìm dấu tích căn cứ cách mạng.” Vì thế ngay đêm nay tòan bộ thương, bệnh binh ở đây sẽ được chuyển về Bệnh viện 76 B trên núi Nhỏ. Còn nặng nữa thì phải lên đỉnh núi Lớn , bởi trên núi là Bệnh viện 76A dã chiến đang trị cho các thương binh cụt tay, cụt chân không đi được để khi nào khỏe và có điều kiện thì sẽ đưa về hậu phương an dưỡng.
Ở thời điểm đó, nếu tính cả 3 bệnh viện chắc cũng đến cả ngàn người, nào thương binh, bệnh binh, dân công hỏa tuyến ở Bình Tuy chạy qua, cùng đồng bào xung quanh núi chạy tới lánh nạn. Vào khoảng 6 giờ chiều có tiếng một đứa trẻ khóc nức, khóc nở, khóc liên tiếp, mà mẹ cháu chắc cả tháng nay phải ăn khoai mỳ rừng và lá tàu bay, càng cua qua bữa nên không có sữa, do đó cháu đói và khóc nhiều thế. Nằm cách đó 20 mét có đồng chí thương binh cụt hai chân, đồng chí thương binh đó nóng ruột đã lên tiếng : “Ê chị kia, chị có biết địch đang càn ở dưới núi để lùng sục chúng ta, chị mà để cháu khóc hoài nếu địch nghe tiếng thì chúng sẽ càn lên bắt giết hết cả ngàn người ở đây, hoặc chúng gọi máy bay, phi pháo thì mình cũng tan xương nát thịt”. Sau lời nói của đồng chí thương binh, chúng tôi nhìn qua thì thấy chị nước mắt ngắn, dài thế nhưng cháu vẫn khóc và vào cỡ 5 phút sau thì không nghe cháu khóc nữa đồng thời trời đã sập tối, vì vậy thì chúng tôi từ từ chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng hôm sau khi mặt trời đã lên tới đình ngọn cây, bệnh viện thông báo địch đã lên trực thăng rút ra lộ 1. Quả tình chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Chưa kịp vui mừng thì được thông báo chị Mười gì đó mà cho tới hôm nay vẫn chẳng biết tên (nhớ được tên đó là lúc con chị khóc có ai nói con chị Mười), sau tiếng nói của đồng chí thương binh thì chị đã bóp mũi con mình cho đến khi tắt thở. Tất cả chúng tôi cũng đều khóc và mỗi người một nắm đất, một cục đá đắp cho cháu một ngôi mộ tại mé hồ nước trên đỉnh núi Me Tàu tháng 5/1969.
Núi Mây Tàu ngày nay, nơi xảy ra vụ việc cách nay 50 năm |
50 năm đã trôi qua, một sự hy sinh cao cả của chị và đứa con mới 6 tháng tuổi vẫn còn đau đáu trong tôi. Viết ra chuyện này mong sao chị (Mười) đã phải hy sinh đứa con lúc đó nếu còn hoặc ai đã chứng kiến việc làm đau thương mà cao cả lúc đó như một kỷ niệm khó phai trong chiến đấu, một hành động anh hùng, đã nén đau, hy sinh con mình để bảo vệ cho cả ngàn thương, bệnh binh khỏi rơi vào tay giặc.
Vũ Đình Bê