Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái: Để trẻ em được đến trường
Giáo dục 24/11/2018 10:40
Cảm Ân nằm cách TP Yên Bái 27 km về phía Đông Bắc là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, hầu hết dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, chè, khai thác và chế biến gỗ rừng trồng; đánh bắ,t khai thác thủy sản ở hồ Thác Bà… Hệ thống đường giao thông đi lại lúc bấy giờ rất khó khăn, tuyến đường Quốc lộ 70 là con đường huyết mạch thông thương lên Lào Cai xuống cấp nghiêm trọng vì xe tải cơ giới hạng nặng chạy suốt ngày đêm, còn hệ thống đường làng đến các thôn, bản hầu hết chưa có, chỉ là đường đất lầy lội, trơn trượt mỗi mùa mưa lũ.
Vào mỗi gia đình tại các thôn, hỏi chuyện học hành của con cái ai cũng nói. Cố cho nó học hết cấp 2 là tốt lắm rồi, ở nhà giúp gia đình. Học sinh ở đây nếu muốn học tiếp lên cấp 3 thì phải xuống huyện, tỉnh trọ học, hoặc phải di chuyển lên một ngôi trường khác nằm ở huyện Lục Yên cách nhà mấy chục km, nên tỷ lệ học sinh học lên cấp 3 chỉ chiếm khoảng 15 đến 20% .
Học sinh trường THPT Cảm Ân lao động tập thể những ngày đầu chuyển sang có sở mới |
Nhận thấy nhu cầu của bà con và học sinh nơi đây, nhà giáo ưu tú Hà Văn Lợi, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình đã lập đề án xin ý kiến lãnh đạo tỉnh Yên Bái phê duyệt thành lập một phân hiệu trực thuộc trường ngay trên địa bàn xã Cảm Ân để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu vực.
Năm 2002; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái quyết định thành lập một phân hiệu trực thuộc trường THPT Trần Nhật Duật gồm 6 lớp, với 269 học sinh. Đây là một quyết định mang tính lịch sử, nhằm giải quyết vấn đề giáo dục bức thiết của con em đồng bào các dân tộc của 5 xã trên tuyến đường Quốc lộ 70 gồm: Tân Hương, Mông Sơn, Bảo Ái, Tân Nguyên và Cảm Ân. Đến năm 2008, phân hiệu được tách ra thành một trường độc lập mang tên Trường THPT Cảm Ân.
Trường THPT Cảm Ân vinh dự đón nhận cờ thi đua của UBND tỉnh Yên Bái |
Khó khăn không nản lòng nhà giáo
Một trong những khó khăn phải nói đến đầu tiên đó là niềm tin của nhân dân 5 xã trên tuyến đường 70 về việc mở thành công một phân hiệu cấp 3 hay không vì mọi thứ lúc đó đều rất khó khăn. Cở sở vật chất ban đầu của nhà trường hoàn toàn không có gì, tất cả mọi thứ đều phải học nhờ trường THCS Cảm Ân với những phòng học cũ kỹ, dột nát và xuống cấp nghiêm trọng.
Đội ngũ giáo viên ngày đầu thành lập ngoài 2 đồng chí lãnh đạo được điều động lên Cảm Ân thì chỉ có một thầy giáo đã giảng dạy qua THPT, còn 100% giáo viên là những giáo sinh mới tốt nghiệp đại học sư phạm; tuổi đời còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý.
Trường THCS Cảm Ân nằm trên một quả đồi cao, đường lên là một con dốc thẳng đứng, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì trơn trượt; đường giao thông trên tuyến Quốc lộ 70 thời điểm ấy gập ghềnh toàn ổ voi, ổ gà và hư hỏng nặng, có những trận mưa lớn gây sạt lở ta- tuy khiến cho việc di chuyển của các thầy cô từ nhà vào trường mất rất nhiều thời gian và công sức
Địa hình các xã ven tuyến đường Quốc lộ 70 bị chia cắt khá lớn, đường xá đi vào mỗi thôn bản đều rất khó khăn, và hầu hết học sinh nơi đầy đều sáng đến lớp chiều giúp cha mẹ mưu sinh với đủ thử việc, nên nhiều học sinh vì những điều kiện xa xôi, cách trở, hoàn cảnh gia đình, nên sau một thời gian đến lớp đã bỏ học. Cô giáo Vũ Thị Kiểm nguyên hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Cảm Ân nhớ lại những kỷ niệm về hành trình đến mỗi thôn, bản vận động sinh ra lớp là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời dạy học. Cô Kiểm chia sẻ "Không chỉ vận động, thuyết phục học sinh đi học mà còn làm cho cha mẹ, ông bà hiểu được sự thay đổi đến tương lai sau này của các em" .
Sau 16 năm thành lập và phát triển, trải qua muôn vàn khó khăn, đến nay Trường THPT Cảm Ân đã có nhiều bước chuyển mình, từ nơi để góp phần xóa mù chữ trường đã từng bước trở thành một nơi để các em người dân tộc có cơ hội được học cao hơn, thực hiện ước mơ của mình. Nhà trường nay đã được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, có uy tín qua việc thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sịnh. Trường THPT Cảm Ân hiện có 44 giáo viên, trong đó trình độ đại học có 33 giáo viên, thạc sĩ 9 giáo viên, 1 tiến sĩ và 1giáo viên đang học cao học. Đội ngũ cán bộ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết; tích cực đổi mới và sáng tạo; nâng cao chất lượng dạy học; tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng; số học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt tỷ lệ trên 97%. Trường đã đào tạo hàng ngàn học sinh có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt phục vụ cho xã hội, nhiều học sinh của trường đã trưởng thành và thành đạt ở nhiều vị trí, lĩnh vực công tác, luôn hướng về thầy cô và mái trường.
Văn Bảo- Vũ Đạo - Ba Ly