Huyện Thanh Trì, TP Hà Nội: Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm tổ chức “Ngày hội sách lần thứ 2”
Giáo dục 09/03/2023 08:09
Đến dự ngày “Ngày hội sách lần thứ 2” nhà trường vinh dự được đón đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đảng bộ và chính quyền địa phương, đại diện họ Ngô, đại diện Hội cha mẹ học sinh và đầy đủ các thầy cô giáo cùng các em học sinh trong trường.
Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm được tách ra từ Trường Tiểu học Tả Thanh Oai và trở thành đơn vị hoạt động độc lập từ ngày 27 tháng 6 năm 2022 theo Quyết định số 2299/QĐ-UBND của UBND huyện Thanh Trì. Ngôi trường được xây dựng trên một khuôn viên rộng lớn với diện tích 11.904 m2 tại ngõ 38, thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, với tổng kinh phí đầu tư hơn 83 tỉ đồng. Nhà trường có 57 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 1662 học sinh, với 33 lớp học.
|
Nhà trường có 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Giáo viên và học sinh nhà trường luôn tự hào khi nhà trường mang tên một danh nhân, một nhà văn yêu nước, có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà. Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm thật vinh dự và tự hào khi ngôi trường được xây dựng trên chính quê hương làng Tó - làng khoa bảng và vinh dự tự hào hơn nữa trường được mang tên danh nhân Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thì Nhậm (sinh ngày 25/10/1746), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Ông mất ngày 9/3/1803, là Danh sĩ đời Hậu Lê-Tây Sơn. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ông đỗ Giải nguyên năm 1768, đỗ Tiến sĩ năm 1775; làm quan dưới thời Lê-Trịnh, khi triều đình lộn xộn ông đã bỏ về quê ở ẩn, viết sách.
Năm 1771, ông hoàn thành quyển Hải Đông chí lược, nghiên cứu mọi mặt về lịch sử và đời sống của vùng Hải Dương. Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đi thi hội, đỗ thứ năm hàng Tiến sĩ đệ tam giáp, được bổ Cấp sự trung bộ Hộ. Năm 1776, được thăng Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, rồi thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc, năm sau lại kiêm luôn Đốc đồng Thái Nguyên. Năm 1779, ông chuyển sang làm Hiệu thư ở tòa Đông Các.
Năm 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Thấy tình hình Thăng Long phức tạp, ông về quê vùng Sơn Nam sống 6 năm. Sau đó, ông đến với Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung phong Ngô Thì Nhậm là Tả thị lang bộ Lại, nghĩa là phụ trách toàn bộ công việc tổ chức và cán bộ trong nội bộ của mình. Ngô Thì Nhậm là người đã soạn “Chiếu cầu hiền” cho vua Quang Trung để chiêu hiền mộ sĩ. Bài “Chiếu cầu hiền” sau này được đánh giá rất cao.
Không chỉ vậy, Ngô Thì Nhậm còn là một nhà giỏi sách lược. Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê, ông có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn (Ninh Bình). Cuộc rút quân về Tam Điệp là một sách lược kiệt xuất nói lên trình độ mưu trí và cực kỳ sáng tạo của Ngô Thì Nhậm.
Năm 1790 , vua Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư... Ông làm quan dưới triều vua Quang Trung được 5 năm thì vua mất.
Trong tình hình phức tạp và suy thoái của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại miền Nam, đã kéo quân ra Bắc, tiêu diệt triều đại Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Sau trận đánh đòn, ông về nhà mất ngày 9-3-1803.
Trong 57 năm cuộc đời, Ngô Thì Nhậm đã có nhiều đóng góp lớn lao vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống quân Thanh xâm lược và có nhiều công lao xuất sắc vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước dưới triều đại Quang Trung.
Tiếp mục đánh trống khai mạc và văn nghệ do các thầy cô và các em học sinh trong trường thực hiện |
Nhân dịp tưởng niệm 220 năm ngày mất của danh nhân Ngô Thì Nhậm, thầy và trò nhà trường đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ tới danh nhân Ngô Thì Nhậm. Buổi lễ dâng hương là một hoạt động ý nghĩa, nhằm giúp các thầy cô giáo, các em học sinh thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của danh nhân Ngô Thì Nhậm, người đã có công giúp vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh, với nước cờ Tam Điệp chói ngời sử xanh. Cũng trong ngày, nhà trường tổ chức “Ngày hội đọc sách lần thứ 2”, với chủ đề “Tìm hiểu về danh nhân Ngô Thì Nhậm”.
Qua ngày hội đọc sách, cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông. Từ đó, thêm tự hào và đồng thời cũng thấy mình cần phải có trách nhiệm, cố gắng nỗ lực nhiều hơn khi được học tập, công tác tại mái trường mang tên danh nhân Ngô Thì Nhậm.
Ông Lý Duy Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì tặng sách cho đại diện các trường trên địa bàn xã |
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm tại nhà trường |
Trải qua vòng thi sơ khảo trực tuyến và phần tuyên truyền giới thiệu, các em học sinh trong trường đã có những hiểu biết về cuộc đời, thân thế và những cống hiến của danh nhân Ngô Thì Nhậm với đất nước. Ban tổ chức đã chọn ra được 40 bạn học sinh khối 4 và khối 5 có số điểm cao nhất tham gia phần thi chung khảo.
Bà Hoàng Thị Thu Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường |
Phát biểu tại buổi lễ bà Hoàng Thị Thu Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường xúc động cho biết: “Thầy trò Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm thật vinh dự và tự hào khi ngôi trường được xây dựng trên chính quê hương làng Tó - làng khoa bảng và vinh dự tự hào hơn nữa nhà trường được mang tên danh nhân Ngô Thì Nhậm. Kế thừa tinh hoa của quá khứ và hướng tới tương lai, Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm mong muốn xây dựng một môi trường sư phạm có thể trang bị cho học sinh những điều kiện học tập tốt nhất, giúp các em khẳng định được bản thân theo hướng tích cực nhất. Bước vào năm học đầu tiên tràn đầy sức sống, với khí thế mới, thời cơ mới và vận hội mới, nhà trường quyết tâm đoàn kết, phấn đấu thi đua để nơi đây trở thành tổ ấm yêu thương, tin cậy của lớp lớp thế hệ học sinh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương, là địa chỉ tin cậy về chất lượng của Ngành Giáo dục huyện Thanh Trì và là “ngôi trường hạnh phúc” được các bậc phụ huynh, học sinh tin yêu”.