Hướng tới sự ổn định, an toàn của người dân lưu vực sông Mekong
Quốc tế 05/04/2023 09:51
Ủy hội sông Mekong quốc tế (Ủy hội) gồm 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Đây là cơ chế hợp tác Mekong lâu đời nhất và duy nhất hoạt động dựa trên một hiệp định quốc tế nhằm tạo khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lí tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của khu vực.
Hội nghị cấp cao của Ủy hội được tổ chức theo cơ chế luân phiên 4 năm/lần tại 4 nước thành viên. Với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”, Hội nghị cấp cao Ủy hội lần 4 được tổ chức vào ngày 5/4 tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào gồm 5 mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích và các nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây; ghi nhận các thách thức và cơ hội có liên quan đến nước, bao gồm các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và quản lí môi trường của lưu vực sông Mekong; xác định các định hướng và chỉ đạo liên quan đến phát triển, quản lí lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch để đạt được các kết quả của Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.
Một góc sông Mekong đoạn biên giới giữa Thái Lan và Lào. |
Hội nghị năm nay thể hiện sự đổi mới trên 3 lĩnh vực chính: Đổi mới trong chính sách, bao gồm việc gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau như: Nước, thực phẩm, năng lượng; tăng cường sự liên kết giữa chính sách khu vực, quốc gia và hỗ trợ vượt qua thách thức để đạt được tiến bộ chung về đổi mới tư duy, tăng cường ngoại giao nước để xác định và đẩy nhanh các chính sách mang lại lợi ích chung.
Cùng với đó, đổi mới trong hợp tác, bao gồm xác định các cơ hội thực tiễn để cùng thực hiện hiệu quả hơn việc thông qua các quy trình, quản lí rủi ro chung và đạt được những kết quả khả quan ở cấp khu vực và quốc gia vì lợi ích của người dân sinh sống trong lưu vực. Đồng thời, đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kĩ thuật số, nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lí lưu vực sông, hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các điều kiện khó khăn, đặc biệt liên quan đến thay đổi điều kiện dòng sông do thay đổi hoạt động của hạ tầng nước và khí hậu.
Tham dự Hội nghị lần này có Thủ tướng Chính phủ của 4 nước thành viên Ủy hội; lãnh đạo/đại diện của 2 nước Đối tác Đối thoại (Trung Quốc và Myanmar), 12 Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong Lưu vực.
Dự kiến Hội nghị cấp cao lần thứ 4 thông qua Tuyên bố chung Vientiane, trong đó đánh giá những thành tựu các nước trong Lưu vực đạt được những năm qua, phân tích, đánh giá các thách thức, cơ hội đối với vai trò và hợp tác tại Ủy hội sông Mekong, đề ra các định hướng hợp tác cho những năm tiếp theo.
Việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư thể hiện trách nhiệm, quan tâm và cam kết của nước ta tại Ủy hội; nhấn mạnh quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với sự ổn định và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân ở lưu vực, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Khẳng định nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả và quản lí bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích của người dân ở lưu vực sông Mekong nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hướng tới phát triển bền vững…