Hợp tác, đoàn kết mới có thể phục hồi cú sốc kinh tế do COVID-19
Quốc tế 12/01/2021 10:12
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 5/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới ở mức 4% trong năm 2021 khi việc tiêm chủng ngừa COVID-19 trở nên phổ biến. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn vẫn "không chắc chắn" và các kết quả tăng trưởng khác nhau có thể xảy ra. Theo kịch bản bất lợi, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và việc triển khai vaccine bị trì hoãn có thể hạn chế mức tăng trưởng toàn cầu xuống 1,6%. Trong khi đó, ở kịch bản trái ngược, việc kiểm soát thành công đại dịch và quy trình tiêm chủng được đẩy nhanh hơn có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng tốc đạt gần 5% trong năm 2021.
Tăng trưởng toàn cầu được kì vọng sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm với các nền kinh tế lớn, trừ Trung Quốc. Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, nền kinh tế toàn cầu dường như đang trỗi dậy sau một trong những cuộc suy thoái sâu nhất và bắt đầu phục hồi nhẹ.
Năm 2021 có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau khi giảm 4,3% vào năm 2020, WB dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020 |
Theo WB, Trung Quốc là một điểm sáng bởi có thể phục hồi nhanh chóng đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 2% năm 2020. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,9% trong năm nay nhờ cải thiện lòng tin người tiêu dùng cũng như sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Một chiến lược hiệu quả kiểm soát sự lây lan dịch bệnh và các biện pháp kích thích tài khóa đã mang lại kết quả tốt.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải vật lộn để tạo lực đẩy với mối quan tâm chính trong tương lai vẫn là những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. WB dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,5% trong năm nay, sau khi giảm 3,6% vào năm 2020.
Nhật Bản, vốn chứng kiến kinh tế suy giảm 5,3% năm ngoái, được dự báo sẽ tăng 2,5% năm nay. Đối với Nhật Bản, việc tăng tốc triển khai vaccine ngừa COVID-19 cũng như khả năng Thế vận hội Tokyo và Paralympic 2020 diễn ra vào tháng 7/2021 như kế hoạch sẽ tạo động lực giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh. Những lí do khác giúp nền kinh tế thế giới khởi sắc trong năm 2021 như xung đột thương mại Mỹ-Trung giảm căng thẳng, thỏa thuận Brexit đạt được vào phút chót, Mỹ và châu Âu vẫn duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Châu Á có vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam... xử lí tốt dịch bệnh và tăng trưởng trở lại mang lại hi vọng thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Tại châu Âu, tiến trình phục hồi kinh tế có thể theo hai tốc độ khác nhau. Trong khi các nước Bắc Âu sẽ hồi phục đáng kể sau những thiệt hại về kinh tế, thì những chỉ số quan trọng này ở các nước Nam Âu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp hơn trước khi đại dịch xảy ra. Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sản lượng kinh tế sẽ tăng 3,6% trong năm 2021, sau khi giảm 7,4% vào năm 2020.
WB coi khả năng bùng phát đại dịch với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định phát triển kinh tế. Các ưu tiên chính sách ngắn hạn hàng đầu là kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và bảo đảm triển khai vaccine nhanh chóng và rộng rãi.
Nếu cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 không được thúc đẩy một cách tổng thể và không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2, thì virus và dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại ở bất kì nơi nào trên thế giới và một lần nữa gây hại cho các khu vực khác. 2021 được coi là năm trọng tâm toàn cầu vượt lên thử thách và hướng tới sự đoàn kết sau một năm 2020 với vô vàn khó khăn. Tinh thần hợp tác, đoàn kết và không để lại những người dễ bị tổn thương nhất có thể bắt đầu "gieo mầm" cho một thế giới tốt đẹp.