Hơn 550 doanh nghiệp bất động sản giải thể, thị trường địa ốc năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn
Bất động sản 31/05/2023 15:04
Trải qua năm 2022 với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản Việt Nam liên tiếp gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề pháp lý nhiều vướng mắc khiến nhiều dự án bất động sản bị "treo" hoặc thi công chậm tiến độ. Trong bối cảnh các ngân hàng đều "siết" tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn vay vốn để đầu tư. Thêm vào đó, dòng trái phiếu và chứng khoán của nhóm ngành bất động sản đều gặp bế tắc do nhà đầu tư lo ngại trước những vụ lùm xùm của FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... Những vấn đề này tiếp tục trở nên nan giải trong nửa đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, với bối cảnh gặp nhiều thách thức, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản phải chủ động thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động…
Tuy nhiên, dù có triển khai nhiều biện pháp thì bức tranh thị trường địa ốc trong năm 2023 vẫn khó lòng tránh khỏi những gam màu u ám. Điển hình như, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, có tới 554 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đóng cửa giải thể vì không có doanh thu, tương ứng mức giảm 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này cao gấp nhiều lần so với số lượng doanh nghiệp giải thể ở các nhóm ngành khác như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo,...
Thị trường địa ốc năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn |
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp mặc dù chưa tuyên bố phá sản nhưng làm ăn thua lỗ nghiêm trọng. Điển hình như một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong top lớn nhất miền Nam đã ghi nhận doanh thu quý I/2023 giảm tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ trước thuế 87 tỷ đồng, lỗ sau thuế tới 410 tỷ đồng.
Báo cáo quý 1/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, thị trường vẫn bị bao phủ bởi trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 11%. Nguyên nhân chủ yếu do lệch pha cung và cầu khi thị trường khan hiếm nguồn cung các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ có 17 dự án được cấp phép mới, ít hơn 5 dự án so với quý cuối 2022 và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án hoàn thành, đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đều thấp hơn cùng kỳ và cuối năm ngoái.
Số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở (hoàn thành hay được cấp mới) chỉ bằng 29-44% cuối năm 2022.
Lượng giao dịch bất động sản giảm tới 35% so với cuối 2022, với 106.401 giao dịch và giảm gần 39% cùng kỳ. Phân khúc đất nền ghi nhận lượng giao dịch giảm sâu, chỉ bằng 45% quý IV/2022 và gần 44% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mua bán nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ lại tăng vọt, gần 273% so với cuối năm ngoái.
Tồn kho bất động sản trong quý đầu năm khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó, tồn kho chủ yếu rơi vào phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ (9.123 căn) và đất nền các dự án (7.113 nền).
Trước đó, vào giữa tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khó khăn sẽ được giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ.
Các dự án đáp ứng được nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, được tạo điều kiện cho vay vốn. Những dự án có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường địa ốc có thể phục hồi từ quý IV2023.