Hội viên Quàng Văn Trịnh về hưu vẫn tích cực làm giàu
Tuổi cao gương sáng 23/05/2023 11:18
Mô hình nuôi trâu vỗ béo cho thu nhập cao của ông Quàng Văn Trịnh |
Với ý chí quyết tâm làm giàu, năm 2015, ông Trịnh cùng một số người dân trong xã đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp, nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống bò sinh sản, trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp... Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã thu hút trên 20 thành viên tham gia, phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hình thức nuôi nhốt, trồng cà phê, mắc ca và cung cấp giống cho bà con trong vùng. Hiện các hộ trong HTX đã trồng 17ha cà phê, 5.000m2 mắc ca và hàng trăm con đại gia súc, góp phần đáng kể tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Mô hình nuôi trâu vỗ béo cho thu nhập cao của ông Quàng Văn Trịnh |
Để duy trì và phát huy hiệu quả, hằng năm, HTX đã cử các xã viên tham gia tập huấn, học nghề do huyện, xã tổ chức; định kì hằng tháng HTX tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, phương thức sản xuất mới, hỗ trợ ứng dụng khoa học kĩ thuật, phòng trừ dịch bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm... Đến nay, HTX tạo việc làm cho hơn 30 lao động, trung bình mỗi xã viên thu nhập từ 80 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
Còn gia đình ông Quàng Văn Trịnh mặc dù là hộ chăn nuôi tương đối lớn nhưng khu chuồng trại của gia đình ông luôn sạch sẽ. Ông đang áp dụng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo và xử lí chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai. Trong chuồng của ông thường xuyên có hàng chục con trâu béo mập, thức ăn dùng bằng cỏ ủ chua với men vi sinh luôn bảo đảm chất lượng, sạch an toàn và phòng bệnh.
Ông Quàng Văn Trịnh (giữa) dẫn khách thăm trang trại |
Ông Trịnh chia sẻ: Ban đầu mới chăn nuôi, do thiếu kiến thức không chuẩn bị chuồng trại tốt, lại nuôi thả rông nhiều, mùa hè nóng, mùa đông lạnh trâu không được chăm sóc tốt nên chậm lớn, gầy gò, thậm chí chết rét, thiệt hại là không nhỏ. Từ đó ông tích cực tham gia các buổi tập huấn kĩ thuật, tham khảo kinh nghiệm của các gia đình có kinh nghiệm, áp dụng vào chăm sóc đàn trâu nhà. Bên cạnh đó, ông tham gia xây dựng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lí chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Thiết kế chuồng trại, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lí chất thải của trâu giảm thiểu mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường; kĩ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu; sản xuất và chế biến một số loại thực ăn thô xanh và thức ăn tinh bột cho trâu bò... nên đàn trâu luôn khỏe mạnh, béo tốt. Nhờ đó, ông Trịnh đã có nguồn thu nhanh hơn và cao hơn cấp nhiều lần so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.
Ông Trịnh dùng máy cắt cỏ chuẩn bị thức ăn cho trâu |
Ông phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 khẩu, 2 lao động trực tiếp sản xuất, các con đều tham gia công tác xã hội, bản thân tôi được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, để tăng thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và có điều kiện hỗ trợ xã hội, gia đình tôi đã khai hoang 2ha đất vườn nương rẫy. Từ năm 2007 chuyển đổi trồng 1,5ha cà phê, năm 2017 trồng xen bưởi 400 cây và 200 cây nhãn, trồng thêm 1ha cỏ voi, nuôi 20 con trâu bò, 140 con dê nhốt chuồng”. Mỗi năm, gia đình ông mua bán, trao đổi từ 200-300 con trâu, bò giống, nuôi 3 lứa dê 420 con. Tổng thu nhập bình quân 1 năm sau trừ chi phí còn lãi 350 triệu đồng, tạo việc làm cho 4-6 lao động có thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ có hiệu quả 4 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kĩ thuật.
Với nỗ lực vượt khó thành công, ông Quàng Văn Trịnh đã nêu gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm vượt khó của NCT không cam chịu đói nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương.