Hồi sinh... làng gốm cổ
Xã hội 17/11/2023 09:50
Thăng trầm nghề gốm
Ngày trước, sản phẩm gốm Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất, như cái cách mà người làng vẫn bám víu vào mấy trăm năm qua để giữ nghề, ấy là nghề gốm thủ công thủ công này là sự kết tinh từ tâm hồn người làm ra nó và thực tế cuộc sống. Nếu không yêu nghề thì không có sản phẩm đẹp. Nghề gốm đặc biệt phải có một trái tim, phải có cảm xúc thật sự khi đôi tay trần chạm vào thớ đất sét dẻo. Và khi đã dành cho gốm tình yêu thật sự và bằng nỗ lực tiếp cận thì sẽ gìn giữ được nghề và sống được với nghề.
Ở chốn này, từng con đường, những góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng trước khi đưa vào lò nung. Theo chia sẻ của những nghệ nhân làm gốm ở Thanh Hà, để làm ra một sản phẩm đúng chất gốm của làng Thanh Hà, đòi hỏi sự kì công và tâm huyết rất nhiều. Hơn nữa, gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu ven sông Thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao, tạo nên sự độc đáo riêng của gốm xứ này.
Tuy nhiên, ngôi làng nhỏ và bình yên này đã trải qua biết bao thăng trầm và sóng gió. Có những giai đoạn tưởng chừng như cái tên gốm Thanh Hà không còn tồn tại bởi sức ép của kinh tế thị trường. Có thời điểm, cả làng gốm chỉ còn 5 hộ làm gốm; những năm trước 2000, làng nghề Thanh Hà dần chuyển qua nghề làm gạch, ngói âm dương.
Nhưng chính nhờ tâm huyết với nghề, với làng, những nghệ nhân làng gốm đã làm sống lại hồn cốt của làng gốm. Hiện làng gốm Thanh Hà có 32 hộ làm gốm, với 95 thợ lành nghề; trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống, 5 hộ làm gốm mĩ nghệ. Chính những cá nhân, hộ gia đình này là đối tượng trung tâm, quan trọng để làm cơ sở cho việc ra đời những tác phẩm gốm sứ độc đáo, giữ cái hồn của làng nghề.
Cát bụi huy hoàng
Ở làng gốm thuở ấy, vẫn có những người giữ gốm như cái cách riêng của mình để lưu truyền cho ngày sau. Như cụ Nguyễn Thị Được (đã mất), người dành 80 năm cuộc đời cho gốm cũng đã trăn trở rất nhiều để giữ nghề, truyền nghề cho những người trẻ sau này. Bây giờ, bà Phạm Thị Mỹ Dung (con dâu cụ Được), chủ cơ sở gốm Sơn Thúy và là tay thợ nổi tiếng, nhiều lần được phong thợ giỏi của làng gốm Thanh Hà.
Nhưng rồi, một thách thức khác lại đến khi những lò nung tỏa khói giữa miền di sản. Thời điểm đầu những năm 2000, Hội An bắt đầu phát triển du lịch, và được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa nhân loại, ngành công nghiệp không khói yêu cầu phải “xanh”. Trước yêu cầu đổi mới, các lò nung truyền thống gây ô nhiễm khói bụi đã được thay thế bằng lò điện. Những nghệ nhân được học ngoại ngữ, học làm du lịch, các cơ sở làm gốm được thiết kế lại vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi tham quan học tập. Cứ thế, làng gốm lần hồi vực dậy và hồi sinh ngoạn mục. Những năm gần đây, khách du lịch lên tới 650.000 người mỗi năm, riêng tiền bán vé thu gần 25 tỉ đồng. Bây giờ, người làng gốm đã sống được với nghề, ngoài việc bán sản phẩm cho du khách, các cơ sở sản xuất còn được trích lại một số tiền vé tham quan du lịch, sử dụng dịch vụ. Tháng 7/2022, làng gốm Thanh Hà đón nhận niềm vui, khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Lê Văn Xê, Trưởng ban Quản lí làng nghề gốm Thanh Hà tự hào nói: “Hơn 10 năm trước, gốm rơi vào tình trạng không có đầu ra, nhiều người đã tìm hướng đi khác. Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, sản phẩm gốm Thanh Hà làm ra luôn được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhìn những người trẻ hăng say và nhiệt huyết với nghề, lớp người cao tuổi cũng thấy an lòng và phấn khởi trước tương lai nghề truyền thống của cha ông”.
Gốm đã không chỉ đưa đến cho người dùng ở quanh vùng mà đã đi xa, rất xa ở nước ngoài. Đó không chỉ là món quà của xứ này, mà còn là hồn đất, hồn người gói trong gốm cổ theo tay người đi đến những miền xa.