Học để biết, để làm việc và khẳng định mình
Giáo dục 23/02/2021 12:00
Năm 1966, ông Thư vào học đại học ngành cơ-điện. Sau 4 năm hoàn thành chương trình đại học, ông xung phong nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Năm 1975, ông bị thương được ra miền Bắc điều trị, sau đó chuyển ngành về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cơ - Điện.
Ông Thư (giữa) trong buổi kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam |
Dạy ngành cơ-điện nhưng say mê Hán-Nôm, nên ngoài giờ đứng trên bục giảng, ông lại hăm hở “làm trò” cần mẫn theo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Có vốn Hán - Nôm, ông tìm đọc thêm các tài liệu liên quan đến ngành cơ - điện để tham khảo, bổ sung cho giáo án của mình. Có lẽ vì thế mà những giờ ông dạy, học đường lúc nào cũng chật hết chỗ ngồi. Ông tâm sự: “Cái quý nhất của nghề làm thầy là được trò yêu mến và chăm chỉ tìm tòi học hỏi. Những trò “học như bất yểm” (học không biết chán), như vậy là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ để thầy cũng hết mình mà “giáo nhân bất quện” (dạy không biết mệt). Thầy và trò cùng cố gắng thì cái sự dạy, sự học mới có ý nghĩa thực sự. Dạy và học không chỉ giúp cho mỗi người có thêm kiến thức mà còn giúp cho mỗi người làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Năm 2010, ông nghỉ hưu nhưng các trò “chưa cho” nghỉ, bởi ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thành Nam Học đường, chuyên dạy chữ Hán - Nôm miễn phí. Đến nay, CLB đã chiêu sinh và đã có cả nghìn lượt người đăng kí học các lớp kiến văn, thư pháp, viết sớ… tại Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Ông Thư chia sẻ, các môn sinh ở nhiều độ tuổi, nhiều thành phần đối tượng khác nhau bao gồm các cán bộ công chức, công nhân đã nghỉ hưu và đương chức, các cháu học sinh các trường đại học, các tăng ni nhà chùa… Có cụ ngoài 80 tuổi vẫn cặm cụi nắn nót từng nét chữ “Thánh hiền”. Rồi cùng nhau trao đổi cách cầm bút viết từng nét hoành, nét sổ, nét mác, hồi phong… như thế nào cho đẹp. Với những trò “học không biết chán” như vậy nên đã giúp cho thầy “dạy không biết mệt”.
Ngoài chương trình học trên lớp, ông còn chỉ đạo CLB tổ chức cho học trò tham quan các di tích đình chùa, các di sản văn hóa tiêu biểu để hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống của ông cha.