Hoàn thiện chính sách về việc làm, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp với NCT
Vấn đề hôm nay 24/01/2022 16:39
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi |
PV: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, xin Thứ trưởng khái quát một số nội dung cơ bản trong CTHĐQG về NCT giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ mới ban hành?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu: (1) Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của NCT tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; (2) Tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi NCT; xây dựng môi trường thuận lợi để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; (3) Nâng cao chất lượng đời sống vật chất của NCT; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội NCT, chú trọng NCT khuyết tật, NCT nghèo không có người phụng dưỡng, NCT dân tộc thiểu số; huy động khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT.
Để đạt được các mục tiêu, Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau: Một là, tăng cường trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe NCT; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho NCT. Hai là, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với NCT; xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng. Ba là, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho NCT; hoàn thiện chính sách về việc làm, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho NCT, ưu tiên hỗ trợ NCT được vay vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập; hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phổ cập theo độ tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội... Bốn là, trợ giúp NCT tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ giúp nhau (LTHTGN); triển khai thực hiện các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phát huy vai trò NCT tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương; phát triển phong trào già làng, trưởng bản, NCT có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Năm là, trợ giúp NCT sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất kinh doanh và cầu sinh hoạt hằng ngày. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên trợ giúp NCT; xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho NCT. Sáu là, tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về NCT và già hóa dân số. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về NCT và kết quả thực hiện chính sách đối với NCT. Bẩy là, hỗ trợ hoạt động đối với Hội, tổ chức của NCT; phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT, các mô hình CLB, nhất là mô hình CLB LTHTGN. Tám là, rà soát, đánh giá để đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với NCT phù hợp trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi (giữa) chủ trì một Hội nghị quốc tế về khởi nghiệp cho NCT |
PV: Là Cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, LĐ-TB&XH đã có kế hoạch triển khai Chương trình như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Thực hiện Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2021 -2030, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022 và bố trí dự toán năm 2022 để thực hiện.
Vườn mẫu của gia đình hội viên NCT ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh |
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm gì để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm phù hợp điều kiện của NCT; hỗ trợ NCT khởi nghiệp, trong đó có hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Theo báo cáo rà soát của Tổng cục Dân số, Kê hoạch hóa gia đình, năm 2021, cả nước có 11,99 triệu NCT (chiếm 11,86% dân số). Trong đó có trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên, 5,83 triệu NCT nữ, 7,29 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn, 8% NCT sống trong hộ nghèo; 1,8 triệu NCT đang hưởng trợ cấp hằng tháng, 1,4 triệu NCT nhận trợ cấp người có công với cách mạng, trên 1,9 triệu NCT đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (42,2% NCT). Trong thời gian tới Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác. Theo dự báo dân số, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032. Tuổi thọ trung bình năm 2021 là 74 tuổi nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi. Tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay thấp, khoảng 54,2 tuổi; thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn (nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài; đây là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn ra phức tạp tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe NCT. Thực tế, nhiều NCT còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, muốn tiếp tục cống hiến. Vì vậy, NCT không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác hiệu quả.
Để tạo điều kiện NCT tham gia lao động theo khả năng, tăng thu nhập, đóng góp cho gia đình và xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về việc làm, dạy nghề, đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp với NCT, tập trung vào một số chính sách (vay vốn lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có Hội NCT cấp xã bảo lãnh để sản xuất kinh doanh; miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư; miễn giảm phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; bảo hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp trong trường hợp gặp rủi ro; ưu tiên giao đất sản xuất nông nghiệp). Thứ hai, thực hiện giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho NCT, ưu tiên hỗ trợ NCT có hoàn cảnh khó khăn. Thứ ba, hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp phù hợp với NCT; hỗ trợ các cơ sở của NCT phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp. Thứ tư, hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với gia đình có NCT; ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi!