GS Hồ Ngọc Đại nói gì về việc tìm triết lý cho giáo dục Việt Nam
Giáo dục 08/01/2019 08:35
GS Hồ Ngọc Đại |
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, phải có triết lý giáo dục để định hướng cho giáo dục. Như Đảng là có cương lĩnh thì giáo dục phải có triết lý để bền vững được.
GS Hồ Ngọc Đại nêu: “Hôm 5/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc hổi thảo về triết lý giáo dục. Tôi nghe các bài phát biểu về triết lý giáo dục thì thấy, các ý kiến chưa mang tư duy khoa học, tư duy thời đại mà chỉ xào xáo ra những cái đã có trong quá khứ để dễ nghe hơn, chứ không có gì mới”- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Cũng theo GS Đại, có ý kiến cho rằng, triết lý giáo dục phải là “hội nhập”. Nhưng theo GS Đại, hội nhập là “hỏng” mà phải là "hợp tác". Vì “hợp tác” là anh theo tôi, tôi cũng theo anh và cả hai bên theo nhau.
“Đề cao việc hội nhập là không nên. Trong giáo dục, thời đại mới, cái gì cũng phải hợp tác”- GS Đại quan điểm.
Cũng theo GS Đại, chúng ta cần tìm và có một triết lý giáo dục. Nếu không có triết lý, giáo dục sẽ vận động lung tung. Khi có triết lý, chúng ta có cái chỉ đường. Triết lý là cái có trước, định hình sẵn.
Cũng theo ông, hiện giáo dục Việt Nam vẫn triết lý cũ, nó chỉ đúng trong thời đại của nó chứ hiện tại thì không còn phù hợp nữa. Triết lý hợp tác mới là điều cần thiết, sẽ là nền tảng để thay đổi học trò."Xã hội hiện đại là xã hội hợp tác tất cả các cấp độ, từ quốc gia đến cá nhân. Và hợp tác là đến từ 2 phía, tương tác hỗ trợ nhau"- GS Đại nhấn mạnh.
Chương trình phổ thông mới không có gì… mới?
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được thông qua thực chất không có nhiều cái mới. Vì theo GS, chương trình mới vừa được công bố chưa có nhiều thay đổi về tư tưởng lý thuyết và công nghệ thực thi.
“Một giải pháp mới phải có hai cái mới. Một là tư tưởng mới, hai là công nghệ mới. Hai cái này đều chưa có nhiều thay đổi trong chương trình phổ thông mới”- GS Đại nhấn mạnh.
GS Đại cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới có thể gọn hơn chương trình cũ nhưng không có gì mới: “Nó chỉ thu gọn lại hơn so với chương trình cũ”- GS nhấn mạnh.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, công nghệ thực thi của chương trình mới về cơ bản vẫn là thầy giảng, trò ghi nhớ. Trong khi đó, mới phải là thầy không giảng, học trò cũng không cần quá cố gắng.GS Hồ Ngọc Đại cũng chỉ ra rằng, có một "điểm mới nhất" của chương trình thể hiện trong thiết kế nội dung là việc chương trình sẽ dạy tích hợp.
GS Đại cho rằng, hãy nhìn cái chén uống nước này. Cái chén là cái chén, không thể dùng nó để chặn giấy, để đựng đồ được, chức năng chính của nó là uống nước. Cũng giống như việc tích hợp lịch sử và địa lý.
“Ở trong khoa học luôn có một triết học. Mỗi một cái trong cuộc đời tồn tại một đối tượng, hoàn toàn thuần túy. Phải thuần túy là một, vì thế, tích hợp là không đúng. Tư duy kiểu cũ là sắm một cái để làm được nhiều cái, còn tư duy kiểu hiện đại là cái nào ra cái ấy. Tích hợp là điều đừng nên “chạm” vào. Việc tích hợp môn Sử- môn địa vào với nhau làm sao tích hợp được. Sử phải là sử, địa là địa. Tất nhiên Sử xảy ra ở một địa phương nào đấy. Nhưng tích hợp nhiều môn vào, về khoa học không hợp lý”- GS Hồ Ngọc đại chỉ ra.
Cũng theo GS Đại, hiện vẫn là thế hệ già dạy trẻ nhưng lẽ ra phải căn cứ vào thế hệ trẻ để dạy nó. Hai phạm trù này khác nhau. Phải kết hợp nhuần nhuyễn, lấy cái ổn định lâu dài làm nền tảng để xây dựng triết lý mới trong xã hội hiện đại.
GS Đại cho rằng, thời Khổng Tử đến nay là khoảng 2.000 năm và nền giáo dục mấy nghìn năm ấy ít có sự thay đổi. Nhưng trẻ con và giáo dục ở thế kỷ 21 đã khác và có những cái thế hệ trước không bao giờ có.
“Muốn thay đổi cơ bản và toàn diện về giáo dục thì phải thay đổi cơ bản lý thuyết về giáo dục và công nghệ giáo dục (hay gọi là quá trình thực tiễn)”- GS Hồ Ngọc đại nhấn mạnh.
Tiền Phong