Giọt mặn diêm dân
Nhịp sống 08/07/2023 08:26
Những hạt muối mặn mòi vị biển bao giờ cũng hòa lẫn giọt mặn của diêm dân, ấy là những giọt mồ hôi đã đổ xuống cánh đồng. Người làm muối xứ Thanh bao năm luôn phải gồng mình dưới nắng nóng gay gắt cùng gió Lào như quạt lửa; khiến làn da của họ dám nắng, đen sạm.
Bà Phạm Thị Loan, ở thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc cả đời gắn với cánh đồng muối |
Bà Phạm Thị Loan, ở thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, gia đình bà có gần 1 mẫu đất làm ruộng muối. Theo cha mẹ làm muối từ ngày còn nhỏ nên bà đã gắn bó với nghề mấy chục năm qua. Bà Loan cho biết, phương pháp làm muối thủ công, lấy đi rất nhiều mồ hôi, công sức của diêm dân; phải trải qua nhiều công đoạn mới làm ra được hạt muối.
Việc đầu tiên là làm đất nền, xúc đất vào dạt, tưới nước mặn từ bể vào sân phơi; ngâm cát vào nước biển (nước mặn độ 1); rồi đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ. Sau đó, dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn (nước mặn độ 2); tiếp tục phơi cát và dùng nước mặn độ 2 lọc qua cát đã phơi được nước mặn độ 3.
Cánh đồng muối nhìn từ trên cao |
Sau khi đổ đất, diêm dân sẽ múc nước từ kênh rải vào đất nền cho đất đỡ khô, tăng độ thấm lọc cho nước muối. Khi đất khô sẽ cho đất vào lọc lấy nước mặn, rồi tưới nước mặn từ bể vào sân phơi, khoảng một ngày muối bắt đầu lên hạt. Khoảng thời gian từ 15-17 giờ hàng ngày, khi nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông là lúc người dân thu hoạch.
Muối đã nằm trên sân bê tông nhưng chưa hẳn đã yên tâm, người làm muối sợ nhất là những ngày bất chợt mưa giông. Không như những sản phẩm khác, nếu không nhanh thì thành quả của một ngày lao động mệt nhọc của diêm dân sẽ tan thành nước. Chẳng ít hôm mưa quá bất ngờ, mọi người không kịp trở tay, muối tan ngay trên ô hoặc tan chảy trên đường đưa về, vậy là bao công sức đã trở thành“muối bỏ bể.”
Kỳ công như vậy nhưng thành quả thì vô cùng khiêm tốn. Diêm dân quần quật từ sáng cho đến chiều tối mà mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Số tiền này quá ít so với sức lao động họ phảibỏ ra. Nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận “nhà nông lấy công làm lãi vậy”. Đã vậy, làm muối khó, bán muối còn khó hơn; được biết năm nay, giá muối cao hơn năm ngoái khi đạt mức 2.500 đ/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng thương lái đến mua muối khá ít khiến người dân vô cùng lo lắng.
Những người làm muối ở đây giờ chủ yếu là người già |
Ông Hoàng Sỹ Nông, 72 tuổi, ở thôn Tam Hòa1, xã Hòa Lộc trầm tư chia sẻ: Mỗi ngày 2 vợ chồng tôi làm được khoảng 1 tạ muối, cho thu nhập khoảng hơn 200 nghìn đồng. Mặc dù thu nhập ít ỏi, nhưng tuổi đã già cũng không biết làm gì cho ra tiền. Bản thân thấy còn sức khỏe nên vẫn muốn bám trụ với nghề, phầnđể có thêm thu nhập, không phải làm phiền con cái; phần cũng là muốn giữ nghề tổ truyền của ông cha.
Vất vả, lam lũ là thế, nhưng người dân nơi đây vẫn lo lắng, một ngày nào đó, làng muối Tam Hòa sẽ bị “xóa sổ”, ông Nông bảo: “Nghề muối này có lẽ chỉ còn thế hệ chúng tôi là sẽ làm nữa thôi. Bây giờ, công ty, xí nghiệp nhiều, tụi trẻ không muốn làm cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như thế này nữa. Từ sâu trong lòng, chúng tôi cũng rất tiếc rằng không lưu truyền được nghề cha ông để lại.”
Quả thực, nhiều thập kỷ oằn mình với muối,không biết bao thế hệ người dân quê Hòa Lộc gắn bó trọn đời với nghề này. Từng là vựa muối lớn nhất xứ Thanh, nhộn nhịp kẻ bán người mua nhưng giờ đồng muối Hòa Lộc chỉ còn vẻn vẹn hơn 40 ha với vài chục hộ dân, chủ yếu là người cao tuổi đeo đẳng với nghề. Thời gian phôi pha, nay cánh đồng muối đã có hàng chục ruộng muối bị bỏ hoang, cỏ mục um tùm trong suốt thời gian dài.
Nghề làm muối rất vất vả nhưng thu nhập lại rất thấp |
Ông Hoàng Việt, Trưởng phòng Chế chiến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Thanh Hóa cho biết:Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích đồng muối còn lại là 150 ha, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, địa bàn không còn diện tích sản xuất muối. Tuy nhiên, tại huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn, hiện nhiều người dân vẫn tận dụng diện tích đất chưa chuyển đổi để sản xuất muối; với sản lượng muối toàn tỉnh khoảng 12.000-13.000 tấn/năm, lao động chủ yếu là người già, trẻ em. Thời gian tới, đối với các diện tích còn lại đang được sử dụng làm muối, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương có lao động làm nghề muối để lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân, hỗ trợ hợp tác xã củng cố đê bao, kênh mương, đáp ứng nhu cầu sản xuất muối, tạo điệu kiện và thúc đẩy tiêu thụ muối cho diêm dân.