Giáo sư Hàn Quốc “mách” SV Việt cách chọn công việc yêu thích
Giáo dục 24/01/2019 10:10
Hàng trăm bạn trẻ là sinh viên (SV), người đã đi làm tại TPHCM bày tỏ tâm tư lương thấp, chọn nghề không yêu trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách "Chọn nghề bạn yêu" với Giáo sư Rando Kim, ĐH Seoul diễn ra mới đây tại ĐH KHXH&NV, TPHCM.
Giáo sư Rando Kim (ĐH Seoul , Hàn Quốc) trao đổi với sinh viên Việt Nam về nhiều góc nhìn về nghề nghiệp. |
Buông bỏ hay giữ?
Hàng chục câu hỏi của SV người đi làm cùng có chung tâm trạng đang theo học hoặc đang làm công việc mình không yêu thích. Các bạn trẻ dằn vặt trước hai lối đi, một bên công việc đang mang lại thu nhập và một bên là sự yêu thích.
Làm một công việc qua ngày, gác lý tưởng, sở thích sang một bên hay bỏ hết tất cả mọi thứ để "chạy theo tiếng gọi của đam mê" là trăn trở của nhiều bạn trẻ. Có lên lãng phí thời gian vào những công việc chỉ để kiếm tiền? Làm sao để cân bằng đam mê với sự nghiệp?
Bạn Nguyễn Đức Thanh, cựu SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, mình đang làm về lĩnh vực kinh doanh, thu nhập ổn định. Vậy nhưng chưa bao giờ cậu thấy "yên lòng" vì đam mê của cậu lại liên quan đến âm nhạc. Cậu mang nỗi đau lấy người mình không yêu nhưng lại không đủ để buông bỏ.
Và không chỉ Thanh, trong hội trường, hàng loạt cánh tay của những bạn trẻ đã đi làm giơ lên chia sẻ cùng hoàn cảnh này.
Còn với SV chuẩn bị ra trường, bắt đầu bước vào thị trường nhân lực, nhiều bạn nêu thắc mắc làm sao để có được mức lương cao nhất khi đi làm. Mối quan tâm này nhắc đến "hiện tượng" từng được đề cập là SV ra trường "hét" lương khởi điểm 2.000 USD.
Hạn chế cách nhìn về nghề nghiệp
Chia sẻ với SV Việt Nam, GS Rando Kim (ĐH Seoul) cho hay, trong nghề nghiệp, quan trọng nhất chính là chọn nghề bạn yêu. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta gặp sự "lệch pha" trong nghề rất nhiều, nghĩa là đã học, làm công việc không thuộc về đam mê của mình.
Không có câu trả lời nào chung cho từng trường hợp, mỗi người sẽ có những "đáp án" không giống ai. Tuy nhiên, theo GS Kim, mỗi người hoàn toàn có thể đưa ra những chiến lược tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân, để có thể cân đối hài hòa lĩnh vực bạn học và chọn với đam mê, sở thích.
"Hạn chế hiện nay là mọi người còn nhìn nhận về nghề nghiệp hạn hẹp, thiếu trầm trọng thông tin về nghiệp nghiệp", ông Kim nói.
GS Rando Kim nêu trường hợp ở Hàn Quốc, ông đã thực hiện cuộc điều tra đơn giản với SV của mình với câu hỏi "Ở Hàn Quốc" có bao nhiêu nghề nghiệp?". Khi thu nhận kết quả, ông bất ngờ nhưng đã giúp ông hiểu tại sao ước mơ của SV nước mình lại chưa thể thoát ra khỏi phạm vi công chức nhà nước.
SV chỉ biết đến khoảng hơn 100 nghề nghiệp, rất ít bạn chỉ ra được 200 nghề, trong khi thực tế thì có đến 20.000 nghề nghiệp khác nhau. SV không nhận thức được đến 1% số nghề nghiệp thực tế, họ bị định kiến nghề nghiệp từ những người đi trước nên không nhận ra sự tồn tại của 99% nghề còn lại.
Trước sự khắc nghiệt của thị trường lao động, của cuộc sống, GS Rando Kim cho rằng có thể hiểu được mong muốn, đòi hỏi lương cao của SV khi ra trường. Có điều SV đang ngộ nhận rằng, người khác phải trả lương cao cho mình mà quên mất vấn đề cốt lõi nhất là chính mình phải tạo ra điều đó. Chuyên gia tư vấn cho nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới này nhấn mạnh: "Muốn có lương cao, buộc bạn phải tạo ra giá trị của bản thân, thương hiệu của bản thân ngay khi ngồi trên ghế nhà trường".
Ông cũng nhắn nhủ đến SV và tất cả mọi người tinh thần đừng chỉ làm việc vì tiền mà hãy làm việc vì mưu cầu hạnh phúc. Đừng để làm việc cho rã rời đến khi trở về nhà mới là "sống" mà công việc phải là một phần của cuộc sống của mỗi người. Bạn cần tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong công việc thì mới có thể thành công.
Dân Trí