Giáo dục con trẻ biết giao tiếp
Giáo dục 31/05/2024 11:06
Một thực trạng và cũng là một nghịch lí đáng buồn hiện nay là xã hội ngày càng đông đúc, hiện đại nhưng vẫn còn nhiều người nói chung, trẻ em nói riêng e ngại, thậm chí là sợ giao tiếp, nhất là giao tiếp một cách trực tiếp; thích giao tiếp với thế giới ảo hơn thế giới thực; hoặc có những biểu hiện lệch chuẩn trong giao tiếp như: Nói tục, chửi thề, nói cộc lốc,... Nhiều con trẻ chỉ biết làm bạn với điện thoại, máy tính; không chia sẻ, tâm sự với chính những người thân trong gia đình.
Ảnh minh hoạ |
Những hạn chế trong giao tiếp ở trẻ em hiện nay có thể là do môi trường xã hội ngày càng phức tạp, khiến trẻ dè dặt trong giao tiếp. Sự phát triển của khoa học, công nghệ tạo nên những trò chơi, ứng dụng về thế giới ảo đầy cám dỗ với trẻ. Áp lực kinh tế đối với người lớn, áp lực học tập đối với trẻ em cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những thành viên trong gia đình không còn nhiều thời gian để gần gũi, giao tiếp với nhau... Tuy nhiên, dù là lí do gì thì cũng cần khắc phục, ngăn chặn những biểu hiện hạn chế, tiêu cực trên trong giao tiếp ở trẻ.
Người lớn cần giáo dục con trẻ hiểu và thực hành những mục tiêu cụ thể trong giao tiếp. Trước hết là giúp trẻ tăng cường giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh thay vì giao tiếp gián tiếp với những người xa lạ qua các phương tiện, trong thế giới ảo. Trẻ cần biết chủ động, tích cực, tự tin giao tiếp thay vì ngại giao tiếp. Biết lễ phép, nói những lời hay ý đẹp, thay vì nói trống không, nói tục.
Để làm được điều đó, thiết nghĩ, trong gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, quan sát, giao tiếp nhiều hơn với con trẻ; khích lệ con tham gia giao tiếp với xóm giềng, tham gia hoạt động phong trào, sinh hoạt cộng đồng ở trường học cũng như nơi cư trú; cần có sự tư vấn, can thiệp sớm đối với trẻ có biểu hiện tự kỉ; cần mềm dẻo và nghiêm khắc với những trường hợp trẻ giao tiếp lệch chuẩn. Ở trường học, thầy cô cần tăng cường hoạt động vấn đáp, trải nghiệm, làm việc nhóm để tăng sự tương tác với trẻ. Trong xã hội, người lớn cần phải biết thương yêu trẻ, tích cực giao tiếp với trẻ và nhất là làm gương cho trẻ trong việc sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ,... khi giao tiếp.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Sự tích cực chung tay của từng cá nhân, tổ chức và của toàn xã hội trong việc giáo dục trẻ biết giao tiếp tốt sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ không ngừng được phát triển toàn diện!