Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi đang “lỗ chồng lỗ”
Thị trường 22/04/2022 17:11
Ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá sản phẩm giảm. Ảnh: Vũ Long |
Người nuôi co hẹp sản xuất để giảm lỗ
Trang trại của anh Hà Văn Tuấn (Phương Định - Trực Ninh – Nam Định) đang nuôi hơn 7 con lợn nái và khoảng vài chục con lợn thịt.
Từ quy mô 50-60 còn con lợn thịt xuất chuồng luân phiên, 2 năm nay trang trại của anh đang co hẹp dần và số lượng lợn nái cũng giảm xuống mức thấp nhất có thể.
“Bỏ hoàn toàn lợn nái thì khi giá lợn hơi tăng trở lại sẽ không có lợn giống để tái đàn, mà nuôi lợn nái duy trì thì cầm chắc lỗ càng sâu, vì lợn con nái đẻ ra bán chỉ 1,1-1,2 triệu đồng/con trong khi 2 năm trước là 2,2-2,5 triệu đồng/con, có thời điểm còn 3-4 triệu đồng/con. Vậy nên số lượng lợn nái đã giảm chỉ còn 1/3. Lợn thương phẩm cũng chỉ duy trì ở mức vài chục con, bởi hiện nay giá lợn hơi xuống thấp chỉ 53.000-54.000 đồng/kg, càng nuôi nhiều càng lỗ” – anh Hà Văn Tuấn nói.
Từng là đại gia “có máu mặt” trong làng gia cầm tại Đồng Nai, nhưng hiện tại ông Nguyễn Văn Ngọc – chủ trang trại chăn nuôi 320.000 con gà lông trắng tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã chuyển sang nuôi theo chuỗi cho Công ty De Hues.
Anh Hà Văn Tuấn đã giảm quy mô đàn lợn còn 1/3 vì “càng nuôi càng lỗ“. Ảnh: Vũ Long |
“Tư nhân giờ không ai nuôi gà lông trắng vì quy mô nhỏ cầm chắc thua lỗ. Hiện nay, giá thành chăn nuôi gà lông trắng đã trên 28.000 đồng/kg, giá gà bán ra là 34.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm giá bán dưới giá thành, người nuôi thua lỗ. Do đó, chỉ nuôi theo chuỗi cho các công ty mới có thể có lãi” – ông Nguyễn Văn Ngọc nói.
Là chủ trang trại chăn nuôi hàng nghìn con gà tại xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức Hà Nội), anh Nguyễn Văn Đức cho hay, từ hơn 1 năm nay anh cũng phải giảm 60-70% số lượng đàn do gà lông màu không thể bán ra với số lượng lớn như gà lông trắng.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng “làm khó” nông dân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ chia sẻ: Giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng mạnh trong 2 năm nay.
“Giá cám cách đây 2 năm chỉ có giá 9.500 đồng/kg, giá hiện nay là 11.800 đồng/kg, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn” – ông Nguyễn Văn Ngọc thông tin.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Ảnh: K.Anh |
Bà Nguyễn Thị Thúy, một hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tại Cầu Diễn – Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, từ đầu tháng 4.2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng 7.000 - 8.000 đồng/bao (loại 25kg/bao).
Giá cám viên dành cho lợn có giá 350.000 đồng/bao (25kg), còn một số loại thức ăn đậm đặc khác thì giá lên đến 540.000 đồng/bao.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước tăng trung bình từ 18-22%.
Hiện nay, thức ăn đậm đặc cho lợn có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 13.000-20.000 đồng/kg; thức ăn đậm đặc cho gà có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có giá từ 12.400-15.500 đồng/kg…
Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Do đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. N
ếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương không có các giải pháp trong ngắn hạn là bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn; về lâu dài cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi để ngành phát triển bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.