Tỉnh Bình Định: Cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Tin tức 28/05/2021 07:34
Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, sẽ tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển quy mô lơn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế điều kiện tự nhiên.
Trong thời gian 2016-2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân là 4,13%; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh Bình Định có 86/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 71,07%, có 4 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Một góc của khu tái định cư xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định |
Địa phương đang tiếp tục chú trọng đến đến nay đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cánh đồng mầu lớn, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, hàng năm tỉnh Bình Định thực hiện trên 260 cánh đồng mẫu lớn gồm nhiều loại cây trồng với tổng diện tích trên 12.000 ha; địa phương còn hình thành vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao có quy mô lên đến 2.300 ha. Bên cạnh đó còn chú trọng sản xuất lạc có 7.900 ha sản xuất cây lạc. Ngoài ra còn 7.000 ha đất sản xuất sắn; 6.700 ha đất sản xuất rau, dưa các loại và 240 ha đất trồng bưởi.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các HTX Nông nghiệp thực hiện 50 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống với diện tích trên 2.500 ha; trong đó có 08 dự án liên kết sản xuất lúa giống được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt diện tích 982,3 ha; xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, với 40 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn, diện tích 80,7 ha. Ngoài ra, xây dựng các chuỗi liên kết như: bưởi, ngô ngọt, ngô sinh khối, đinh lăng.
Cuộc sống người dân nông thôn ngày càng sung túc
|
Trong giai đoạn tiếp theo, 2021-2025 tỉnh Bình Định tiếp tục xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; trong đó: cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo hướng phát huy lợi thế, sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hiện đại, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với chế biến. Xác định nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: lúa, lạc, sắn, ngô, dừa và rau dưa các loại…