Gia đình 4 đời gìn giữ nghề mắm Khúc Phụ truyền thống
Doanh nghiệp - Doanh nhân 26/03/2024 13:23
Tất bật chiết nước mắm ra chai để kịp xuất chuyến hàng đi TP Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Đạo, ở xã Hoằng Phụ hồ hởi nói: “Nếu không xác định hướng đi ngay từ đầu, rất khó để tôi đeo đuổi và gắn bó với nghề mắm truyền thống của ông cha!”.
Bà Lê Thị Hảo và anh Đạo bên xưởng làm nước mắm truyền thống của gia đình. |
Anh Đạo là thế hệ thứ 4 trong gia đình “nối nghiệp” nghề truyền thống. Dù mới có thâm niên gần chục năm, song anh Đạo đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 400m2, đồng thời mày mò cho ra mắt các dòng sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Hảo (67 tuổi, mẹ anh Đạo) cảm thấy phấn chấn trước sự lựa chọn của con trai. Dành cả cuộc đời “ăn, ngủ cùng mắm”, ở tuổi xế chiều bà Hảo vẫn tất bật hỗ trợ con trong mọi công việc.
Gia đình bà Hảo đã gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống lâu năm ở địa phương. |
Theo lời kể, nghề làm nước mắm Khúc Phụ đã có cách đây cả trăm năm. Bà Hảo cũng được gia đình trao truyền lại nghề truyền thống rồi gắn bó với giọt mắm cho đến tận bây giờ.
Người phụ nữ cho biết, bí quyết để tạo ra giọt mắm ngon nằm ở khâu chọn cá. Loại cá được bà con dân làng biển lựa chọn thường là cá chỏng cơm than, hoặc cá lâm xuôi đỏ mỏ. Những loại cá này cũng phải được thu hoạch theo mùa vụ mới tầm tháng 2 - 3 và tháng 6 Âm lịch mới đạt độ ngon nhất.
Một bí quyết không thể thiếu là chọn muối, hạt muối phải to đều và được cất giữ từ 6-8 tháng ở nơi khô ráo để hết vị chát. Cá sau khi chọn sẽ được trộn với muối theo tỷ lệ 3 cá 1 muối (3 tạ cá, 1 tạ muối) rồi cho vào bể chứa để ủ chượp. “Để giọt mắm thơm ngon và đượm vị, ngoài đúng tỷ lệ 3 cá 1 muối thì cần phải phơi nắng và thả sương để mắm lên màu và hương vị tự nhiên”, bà Hảo bật mí.
Anh Nguyễn Văn Đạo đang kiểm tra chất lượng nước mắm. |
Quá trình từ khi ủ đến lúc thu hoạch thành phẩm nước mắm kéo dài tầm 18-24 tháng. Theo bà Hảo, thời gian ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, đượm vị, màu sắc càng hút mắt. Để có sẵn nước mắm cung ứng ra thị trường, đặc biệt là dịp Tết, gia đình bà Hảo thường muối cá gối vụ. Vì vậy, lúc nào trong nhà cũng trữ khoảng 80 tấn mắm ủ chượp.
“Nghề làm mắm vất vả, không kể ngày đêm. Trước đây, khi chưa có phương tiện đi lại, mỗi ngày tôi phải thức giấc từ 2-3 giờ sáng, hối hả đóng mắm ra chai rồi gánh ra tận chợ cách nhà đến cả chục km cho kịp phiên. Khó nhọc là thế, nhưng bà con ăn mắm quen cứ hết lại mua nên có động lực lắm!”, bà Hảo tâm sự.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình bà Hảo cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 - 2.000 lít nước mắm các loại. Riêng vụ Tết, sản lượng tăng gấp đôi, trung bình 3.000 - 4.000 lít, giá bán dao động từ 50.000 - 120.000 đồng/lít, tùy loại.
Các sản phẩm nước mắm truyền thống của cơ sở nước mắm bà Hảo. |
Anh Đạo cho biết, ngoài 3 lao động gia đình, gia đình anh phải thuê thêm 2 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng. Ngoài 2 sản phẩm nước mắm và mắm tép đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022 và 2023, hiện gia đình anh đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ đối với sản phẩm mắm tôm.
“Bên cạnh các sản phẩm đã cung ứng ra thị trường, tôi đang ấp ủ cho ra mắt dòng sản phẩm nước mắm dành riêng cho bé. Ưu điểm của sản phẩm này độ đạm cao, ít mặn theo tỷ lệ 4 cá, 1 muối”, anh Đạo chia sẻ.
Ngoài tiêu thụ ở các chợ truyền thống, anh Đạo tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart và các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Đạo quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Khúc Phụ tại hội chợ. |
Ông Trương Hồng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, toàn xã hiện có khoảng 350 cơ sở làm nước mắm truyền thống, với khoảng 1.000 lao động. Năm 2023, toàn xã cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu lít nước mắm các loại. Có thể nói, nghề làm nước mắm truyền thống đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Theo ông Thế, người dân Hoằng Phụ phát triển đa ngành, nghề nhưng mũi nhọn vẫn là nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản. Trong đó có nghề làm nước mắm truyền thống có tuổi đời cả trăm năm nay, có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề mắm đến 3-4 đời. Hiện, địa phương đang dành khoảng 3,5ha đất để phát triển ngành, nghề chế biến thủy sản tập trung, trong đó có nghề làm nước mắm.