Gặp người nhận Giải thưởng KOVa
Giáo dục 05/04/2019 09:06
Gọi là “đặc biệt” vì toàn bộ học sinh ở đây đều mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Em lớn nhất 31 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Điều “đặc biệt” tiếp theo là các em không phải đóng góp một khoản chi phí học tập nào. Ngược lại, những trường hợp học sinh thuộc diện gia đình khó khăn còn được bà giáo Nga tặng tập vở, quần áo, giày dép, sữa tươi và các phần ăn miễn phí.
Bà giáo Nga cho biết: “Năm 1999, lớp học tình thương chính thức của tôi ra đời. Thời gian đầu, tôi mượn phòng thư viện của Trường Tiểu học Chu Văn An để dạy học cho các em, đến năm 2009, khi về hưu thì lớp học cũng được chuyển về nhà tôi. Tôi luôn trăn trở trước hoàn cảnh các em học sinh bất hạnh do căn bệnh thiểu năng trí tuệ, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Tôi mở lớp học tình thương này bằng nguồn tiền hưu của bản thân chỉ mong xoa dịu được phần nào sự mất mát của các em cùng gia đình”.
Bà giáo Huỳnh Nga và những học sinh “đặc biệt” của mình. |
Em Huỳnh Ngọc Nguyên, 11 tuổi kể trong giọng nói bập bẹ rất khó khăn nhưng đầy vẻ lạc quan: “on” rất “ương” cô. Lúc trước con không “ói” được và không biết “àm” toán, tập “ọc”, bi “ ờ” biết hết”.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm, bà nội của cháu Nguyên xúc động nói: “Mừng quá, nếu không có bà giáo Nga giúp đỡ thì cuộc đời của cháu sẽ khổ đến dường nào. Cha mẹ bỏ nó từ lúc mới lọt lòng khi thấy nó bất bình thường”.
Bà giáo Nga cho biết thêm: “Đa phần các em đều bướng bỉnh, không vâng lời người lớn. Tuy nhiên nếu biết gần gũi, động viên, quan tâm, chăm sóc chu đáo thì chúng rất ngoan. Do bị bệnh nên em thì trầm cảm, em thì hiếu động, tính khí bất thường hay gây gổ… Từ đó, phải nắm bắt tâm lí từng em để có cách tiếp cận hiệu quả nhất”.
Mỗi ngày từ 7 giờ sáng, lớp học đặc biệt này bắt đầu đón nhận trên 30 em học sinh “đặc biệt”. Sau những bài tập thể dục để nâng cao thể lực là các trò chơi vận động để rèn luyện trí nhớ và sự năng động của các em. Kế đến là phần học tập với các môn học như tập làm văn, toán, âm nhạc, hội họa, giáo dục công dân… Mới đây, nhiều học sinh tại lớp học này đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi Mĩ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long.
Biết được việc làm nhân ái của bà giáo Nga, nhiều nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ dụng cụ học tập, sữa, thức ăn để chia sẻ khó khăn với mong muốn các em tật nguyền sớm hồi phục để hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Trung Dân, Phó Chủ tịch UBND phường 8, TP Vĩnh Long cho biết thêm: “Bà giáo Nga là tấm gương sáng nhân ái hết lòng vì trẻ em, đặc biệt là trẻ em bất hạnh. Chúng tôi rất trân trọng và luôn lấy gương bà để giáo dục cho công chức, viên chức cơ quan học tập, làm theo”
Phan Thị Anh Thư