G20 trước thách thức “gai góc”
Quốc tế 11/06/2019 09:38
Kết quả trên cho thấy, sức chi phối ngày càng lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và có thể nói đây chính là yếu tố chủ chốt đã và đang thách thức tinh thần đoàn kết của G20 trong nỗ lực đưa ra một quan điểm thống nhất đối với vấn đề “gai góc” mang tính toàn cầu. Cuộc tranh cãi về ngôn từ đưa vào tuyên bố chung đã làm tan vỡ hi vọng của giới đầu tư về một văn kiện thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tài chính G20 trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Tuyên bố chung đã loại bỏ việc công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như thừa nhận tranh chấp thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Văn kiện chỉ dừng lại ở việc thừa nhận sự gia tăng các căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Cũng không có cam kết nào của G20 liên quan tới chống chủ nghĩa bảo hộ. Kết quả này được cho là bắt nguồn từ sức ép của Mỹ khi muốn ngăn chặn mọi rào cản có thể kiềm chế chính sách tăng thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 9/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Có thể thấy, tranh chấp thương mại đang trở thành một hòn đá tảng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và lòng tin thị trường có nguy cơ sẽ tiếp tục bị hủy hoại nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm được tiếng nói chung. Kết quả của hội nghị lãnh đạo tài chính G20 đang phủ bóng lên cơ hội lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 tới.
Dù vậy, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng G20 cũng đạt được một số thành công nhất định bằng tuyên bố chung thể hiện sự thống nhất cao trong việc thúc đẩy tăng cường tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay, cũng như bảo đảm phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững hơn.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về tình trạng các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ từ những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như trong dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. G20 cũng thừa nhận vấn đề già hóa dân số đang đặt ra các thách thức và cơ hội. Ngoài ra, việc các thành viên G20 “đồng tâm hiệp lực” đối phó với hoạt động trốn thuế bằng việc tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung về thuế doanh nghiệp vào năm 2020 là kết quả tích cực.
Với biện pháp trên, G20 dường như đã có một bước đi lớn trong việc giải quyết vấn đề mà các chuyên gia đánh giá là vô cùng nhức nhối trong hơn 1 thập niên qua. Các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên mạng Internet như Google, Apple, Facebook hay Amazon đã dùng cùng một chiêu thức giống nhau để né thuế, đó là chuyển lợi nhuận sang một công ty con ở nước ngoài nơi có mức đánh thuế thấp. Dẫu vậy, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể hiện thực hóa mục tiêu này khi các nước vẫn bất đồng trong cách thức thực thi và các tập đoàn đa quốc gia vẫn có thể tận hưởng “sự tự do” thêm một vài năm nữa.
“Điểm sáng” của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 năm nay là các nền kinh tế chủ chốt, dù vẫn còn những bất đồng và khác biệt, vẫn ngồi lại với nhau để cùng thảo luận về các vấn đề nổi cộm đe dọa tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cục diện thế giới đang trải qua những thay đổi cơ bản về địa chính trị và chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, triển vọng kinh tế toàn cầu càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết khi G20 tiếp tục né tránh việc giải quyết những căng thẳng thương mại.
Đ.K (Tổng hợp)