FAO báo động 'đám mây' châu chấu khổng lồ 'hành hương' tại châu Phi
Quốc tế 19/02/2019 14:16
Mưa bão lớn đổ vào Eritrea và Sudan đã làm loài châu chấu sinh sống tại đây nhanh chóng hợp lại thành các đàn châu chấu khổng lồ hai bên bờ biển Đỏ kéo dài đến tận Saudi Arabia và Ai Cập. Các đàn châu chấu này vừa di chuyển, vừa sinh sản tạo ra những “đám mây châu chấu”. Các nghiên cứu của FAO cho thấy những “đám mây” này có thể di chuyển 150 km/ngày nhờ vào sức gió.
Những con châu chấu cái có thể đẻ tới 300 trứng trong suốt vòng đời và một con châu chấu hành hương trưởng thành mỗi ngày có thể ăn một lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể, tương tương 2 gram. Mỗi đàn nhỏ có thể tiêu thụ một lượng thức ăn dành cho 35.000 người. Chính vì vậy, những "đám mây châu chấu hành hương" là hiểm họa đối với sản xuất nông nghiệp, hạ tầng xã hội, an ninh lương thực, môi trường cũng như phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các khu vực vốn đang khó khăn, dễ bị tác động tiêu cực.
Các chuyên gia của FAO kêu gọi tất cả các quốc gia có liên quan tăng cường quan sát, cảnh báo và tăng năng lực ngăn chặn châu chấu sinh sản thêm nhằm bảo vệ mùa màng trước dịch côn trùng này.
Từ tháng 12/2018 trở lại đây, Sudan và Saudi Arabia đã tiến hành nhiều chiến dịch phun thuốc từ máy bay cũng như trên mặt đất. Các chiến dịch phun thuốc diệt trừ châu chấu trên mặt đất cũng đã được thực hiện tại Eritrea và Ai Cập. Tổng diện tích mà các quốc gia đã tiến hành phun thuốc diệt trừ loài côn trùng này hiện lên đến 80.000 ha.
Cơ quan Thông tin về châu chấu hành hương (DLIS) được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ 20 tại trụ sở chính của FAO ở thủ đô Rome, Italy, với hệ thống toàn cầu giám sát và cảnh báo việc hình thành, phát triển, di chuyển của những “đám mây châu chấu”. Ngày nay, thông tin về dịch châu chấu được cung cấp từ các trạm quan sát mặt đất và cả vệ tinh, kết hợp với các số liệu khí tượng để đưa ra kết quả chính xác nhất.