Đừng để trẻ nhiễm “độc” từ youtube
Xã hội 15/03/2021 13:56
Đánh chắt, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan,... hẳn không còn là những trò chơi mà trẻ con thời nay ham thích. Thay vào đó, hình ảnh quen thuộc lại là những đứa trẻ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại cảm ứng, máy tính bảng, mê mải đến quên cả giờ giấc ăn ngủ hằng ngày.
Cha mẹ bận rộn với guồng quay cơm áo, không gian sống chật chội của phố thị khiến trẻ thơ chỉ còn biết làm bạn với công nghệ ngay từ thuở mới thôi nôi.
Sở hữu rất nhiều video có nội dung khác nhau giống như một chiếc tivi thu nhỏ, youtube đã lôi cuốn trẻ em. Chính vì vậy, hàng loạt kênh youtube lấy đối tượng trẻ em làm chủ điểm đã ra đời. Và những ồn ào cũng từ đó mà ra.
Điển hình như vụ việc của kênh youtube Thơ Nguyễn với gần 9 triệu lượt theo dõi xảy ra trong những ngày gần đây. Đến nay, dư luận xã hội vẫn chưa ngớt bức xúc vì video dài 60s đăng tải trên tik tok từ tài khoản của youtuber Thơ Nguyễn. Nội dung clip này được cho là một hình thức tuyên truyền mê tín dị đoan do mượn búp bê Kumathong - 1 loại bùa ngải của Thái Lan để “xin vía học giỏi” cho trẻ em.
Vụ việc youtuber Thơ Nguyễn đăng tải clip có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan đang gây xôn xao dư luận. |
Đây thực sự là một nội dung độc hại mà các nhà chức trách cũng phải vào cuộc để xử lý. Hiện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an mời mời chủ kênh youtube Thơ Nguyễn đến làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là đây cũng không phải lần đầu, kênh Thơ Nguyễn đăng tải những video có nội dung câu view nhảm nhí. Trước đó, nhiều phụ huynh cũng lên án về loạt video có chất lượng nội dung kém hấp dẫn, có thể làm sai lệch nhận thức non nớt vốn dễ bị tổn thương của trẻ nhỏ do kênh này đăng tải.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để bảo vệ trẻ em trước những nội dung số độc hại như vậy? Làm sao để sau Thơ nguyễn, không còn những kênh yutube khác đi theo “vết xe đổ” đó nữa. Người có thể trả lời những câu hỏi này không ai khác, có lẽ chính là các bậc huynh. Mong rằng các đấng sinh thành hãy dành thời gian chăm chút, theo sát con thơ hơn trong những "bữa ăn tinh thần".
Hãy định hướng để con trẻ hòa mình với thiên nhiên và cuộc sống sinh động ngoài đời thực nhiều hơn thay vì khiến tâm hồn con trẻ héo hắt trong bốn bức tường công nghệ của thế giới ảo. Hãy để các em có cơ hội đón những tia nắng đầu đời ấm áp từ nền tảng giáo dục đúng đắn thay vì hứng trọn sự xấu xí từ những “video bẩn” trên youtube.