Trong Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên cách đây gần 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên cần phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại rừng. Trong 8 vấn đề lớn Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện thì vấn đề đầu tiên là “các tỉnh phải thực hiện nhanh gọn, kiên quyết đóng cửa rừng”.
Tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng mang lại niềm hi vọng tình trạng khai thác, tàn phá rừng sẽ sớm chấm dứt.
|
Một góc bãi gỗ của Phượng “râu”. Ảnh Zing. |
Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như đang thách thức quyết tâm của Chính phủ. Liên tục các vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản vẫn xảy ra tại nhiều địa phương trong hai năm qua, nổi cộm như tại các tỉnh Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng... Gần đây nhất là vụ Phan Hữu Phượng (biệt danh Phượng “râu” vận chuyển hàng chục khối gỗ lậu tại thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Điều khác thường là vụ bắt giữ này lại do các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện trong khi tại tuyến đường có nhiều đơn vị chức năng giữ rừng như kiểm lâm, biên phòng, công an án ngữ với lực lượng không hề “mỏng” (gần chục chốt, trạm)! Điều kì lạ hơn là kho gỗ lậu chỉ cách đơn vị “giữ rừng” mấy trăm mét và được đơn vị này giúp đấu điện cho sử dụng nhờ!
|
Rừng Tây Nguyên vẫn đang bị tàn phá. |
Theo lẽ thường, việc phá rừng xảy ra trên địa bàn một xã thì lãnh đạo xã đó phải chịu trách nhiệm; trên địa bàn 2 xã thì cả lãnh đạo huyện và ngành chức năng huyện đó chịu trách nhiệm... Thế nhưng, hầu hết các vụ phá rừng bị phát hiện chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị xử lí kỉ luật nặng. Chủ yếu chỉ là xử lí như thể cho có với đối tượng trực tiếp vi phạm và cán bộ, nhân viên tại cơ sở. Có cán bộ còn bao biện giúp cấp dưới rằng “anh em nhầm lẫn vì quá nhiều phương tiện trong đó có cả phương tiện được phép vận chuyển”... Nếu việc xử lí cứ “nhẹ nhàng” như vừa qua thì chắc chắn tình trạng phá rừng chưa thể chấm dứt.
Theo Luật Lâm nghiệp, việc quyết định đóng cửa rừng được đưa ra khi tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng; rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Như vậy cho thấy sự “tồn vong” của rừng tự nhiên đã thực sự nguy cấp nên Chính phủ phải quyết định đóng cửa rừng.
Việc liên tục xảy ra các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ rừng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ rằng dù đóng cửa rừng nhưng cửa vẫn chưa có “khóa”. Chưa có lãnh đạo tỉnh nào đứng ra nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” khó thay đổi?./.
Đinh Hoàng