Đôi vợ chồng già hơn 20 năm dạy học miễn phí cho học sinh nghèo
Giáo dục 07/02/2018 08:10
20 năm tận tụy với lớp học tình thương
Gần trưa, căn nhà tuềnh toàng của bà Nguyễn Thị Thiền, ở hẻm 749, đường Huỳnh Tấn Phát (Khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh) vẫn còn náo nhiệt, bởi tiếng ê a, tiếng hỏi bài. Trong phòng khách, mấy chiếc bàn nhỏ kê cạnh nhau.
Khoảng 10 đứa trẻ cắm cúi ghi chép. Hai người giáo già, tóc đã lấm tấm sợi bạc khom người bên chiếc bàn thấp chỉ bài, chỉnh sửa từng nét chữ cho học trò. Dù khí trời oi bức, nhưng ai nấy đều hào hứng với từng con chữ.
Cảnh tượng ấy khiến cho không gian của ngôi nhà vốn im ắng trở nên chộn rộn, rạo rực hơn hẳn.
Dù đứng lớp, nhưng bà Thiền vẫn mặc bộ đồ cũ kĩ, áo sơ mi trắng đã ngã màu vàng úa. Sự giản dị của cô giáo già khiến cho mọi người càng cảm phục tấm lòng của bà đối với học sinh nghèo.
Bà tâm sự: “Lớp toàn những đứa trẻ nghèo, nhiều khi mặc bộ đồ lấm lem bùn đất đi học. Mình cũng ăn mặc bình thường như học trò, để các em không thấy có khoảng cách mà yên tâm học hành”.
Kết thúc buổi học, tiễn những đứa học trò ra về, bà Thiền tâm sự về duyên nghiệp gõ đầu trẻ của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo, có 9 anh chị em ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, phải chật vật lắm bà mới được đến trường.
Năm 14 tuổi, bà lên TP Hồ Chí Minh theo đuổi việc học. Ngoài giờ học, bà phải phụ mẹ bán quán ăn, nhận dạy kèm cho các em học sinh để kiếm tiền.
Những buổi học chiều muộn cứ tiếp nối đã nhen nhóm lên trong lòng bà niềm yêu thích trẻ em và mong muốn được đi theo nghiệp gõ đầu trẻ.
Tốt nghiệp Đại học Toán, bà giảng dạy tại trường Nghiệp vụ Ngân hàng (tiền thân Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) rồi quen biết ông Nguyễn Phan, đang công tác tại Trường Dự bị Đại học TP.Hồ Chí Minh. Hai người nhanh chóng kết duyên với nhau.
Bà Thiền giảng bài cho học trò
Những đứa con cũng lần luợt ra đời. Năm 1991, các trường cắt giảm biên chế, lương giáo viên bị giảm đến mức thấp nhất. Đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, bà Thiền thôi việc, về mở một quán cơm ngay trước nhà.
Chồng bà cũng nghĩ việc từ đó, lui về giúp vợ bán buôn.Nhiều người học trò trong xóm biết chủ quán từng là giảng viên nên thi nhau đến hỏi bài.Dù chỉ dăm ba câu nhưng lại trỗi dậy khao khát được cầm phấn trong lòng người giáo viên ấy.
Khi số lượng học sinh tìm đến ngày càng đông, bà quyết định mở một lớp dạy kèm miễn phí ngay tại nhà. Ban ngày bà mở quán cơm, tối về ăn vội bữa cơm cùng chồng con rồi vội vội vàng vàng lên lớp.
Năm 1996, khi các con đã trưởng thành, cuộc sống khá giả hơn, hai ông bà quyết định đóng cửa quán cơm, chỉ chuyên tâm dạy học cho trẻ em nghèo.
“Ban đầu, tôi chỉ mở lớp học để dạy kèm, chỉ bài cho những đứa trẻ không hiểu bài ở trên lớp. Sau đó, tôi thấy nhiều đứa không được đến trường cứ lấp ló trước cửa nhà, bày tỏ mong muốn được đi học nên tôi dạy chữ luôn cho những đứa trẻ ấy.
Suốt 20 năm qua, đôi vợ chồng già lấy việc dạy học cho trẻ em nghèo làm niềm vui của mình.
Lớp học ban đầu chỉ lèo tèo vài đứa, thế mà kéo dài cho đến tận bây giờ. Ngót nghét cũng được 20 năm rồi”, bà nhớ lại.
Nỗi niềm của người giáo già
Gia tài đã theo bà từ khi gắn bó với nghề cho đến nay chỉ là một tấm bảng cỏn con, những chồng sách cũ từ lớp 1 đến tận 12 đã ngả vàng theo năm tháng, một số bộ bàn ghế chân cao chân thấp trên nền nhà. Bà hồ hởi kể, sách vở, bàn ghế ban đầu là của gia đình, sau được những người không dùng đến mang đến cho.
Một số người biết đến lớp học còn mua bàn ghế mới đến tặng. Cứ thế, lớp học cứ lớn dần lên theo năm tháng.
Mỗi ngày, bà với chồng đều cùng nhau dạy học. Lớp học được mở đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Bà dạy chữ cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5. Các em từ cấp 2 trở đi được chồng bà dạy kèm môn Toán.
Lũ trẻ rảnh giờ nào thì đến học giờ đó. Có đứa hôm nay đi học, ngày mai còn phải đi mò cua bắt ốc, nên số lượng học sinh khá bấp bênh. Thời điểm ít nhất chỉ có hai học sinh theo học, có lúc đến tận 40 trẻ.
Theo người giáo già, trong số những đứa trẻ đến lớp, đa số đều là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đều phải nghĩ học giữa chừng, để lao vào con đường mưu sinh, phụ ba mẹ kiếm tiền chạy gạo mỗi ngày. Cũng có những em lêu lỏng, quậy phá, không được giáo dục, không thích học hành. Để có thể đưa các em đến với lớp học, bà phải cất công đến từng nhà vận động rất vất vả.
Bà chia sẻ: “Hồi đầu, tụi nó quậy phá dữ lắm. Lên lớp là không chịu học, lại còn xé hết sách vở. Nhưng cứ kiên trì khuyên nhủ, tận tâm dạy dỗ, xem chúng như con cháu của mình, dần dần tụi nó cũng thay đổi được, chuyên tâm học hành. Đó cũng là động lực để tôi cứ cố gắng dạy học từng ngày”.
Sách giáo khoa luôn cải cách, đổi mới qua các thời kỳ, ông bà vẫn phải cập nhật kiến thức mỗi ngày. Tích cóp được ít tiền, họ mua sách cũ, tìm tòi cách giải những bài toán khó.
Có những em không có tiền mua sách vở, bút mực, vợ chồng bà tiết kiệm chi tiêu để mua cho học trò. Điều khiến bà trăn trở nhất là những đứa trẻ xin thôi học vì phải đi làm kiếm tiền.
Hơn 20 năm đứng lớp, họ không nhớ đã bồi dưỡng biết bao thế hệ học trò. Vào mỗi dịp lễ, tết, những đứa học trò lại trở về, quây quần bên bà nhắc đến chuyện nghèo khó thuở xa xưa. Trong số đó có những người thành đạt, giàu có. Họ cùng bà giúp đỡ những đứa trẻ nghèo được học chữ, có thể viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Bà cho biết, việc được đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh trở thành niềm vui của bà. Mỗi sáng sớm, bà luôn đứng trước cửa chờ học trò đến. Những ngày mưa lớn, lớp học trống trải, bà lại thấy thiếu thiếu điều gì đó. Cứ đi ra đi vô mà chẳng biết phải làm gì. Bà tâm sự: “Giờ tôi lớn tuổi rồi, giúp được tụi nhỏ ngày nào hay ngày đó.Chỉ mong tụi nó học được cái chữ, sau này lớn lên giúp ích cho đời”.
Đức Thọ