Độc chiếm Biển Đông - toan tính xấu giữa đại dịch
Câu chuyện quốc tế 29/07/2020 14:00
Chiến thuật nước đôi trên Biển Đông
Các nhà phân tích đánh giá, trong khi thế giới đang tập trung đối phó với dịch bệnh Covid-19, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng, bao gồm cả biên giới trên đất liền ở Nam Á và trên Biển Đông.
Trung Quốc đã theo đuổi cách tiếp cận nước đôi, một mặt tăng cường sự hiện diện và năng lực quân sự qua việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai tàu chấp pháp để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của nước này. Mặt khác tìm cách thể hiện là một đối tác sẵn sàng hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Theo CNA, hơn 3 năm sau khi Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lí của Trung Quốc năm 2016, Bắc Kinh dường như có lập trường mang tính hòa giải hơn với việc nhất trí tiếp tục đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn bày tỏ hi vọng đàm phán COC sẽ được hoàn thành vào năm 2021.
Đã đến lúc Đông Nam Á cần tăng cường sự đoàn kết
Tại Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Hà Nội hôm 13/6, do Việt Nam chủ trì với tư cách là Chủ tịch ASEAN, các bên đã ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh Trung Quốc từ đầu năm liên tiếp có hành động khiêu khích trên Biển Đông khi các nước dồn sức chống dịch bệnh.
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một đợt tập trận ở Biển Đông năm 2016. Ảnh Xinhua |
Bắc Kinh thành lập cái gọi là các quận hành chính “quản lí” Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, điều tàu khảo sát bám theo tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Chưa dừng lại ở đó, nước này đã tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7.
Phản ứng trước các cuộc tập trận của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố, Bắc Kinh sẽ “đối mặt với phản ứng mạnh nhất, về mặt ngoại giao hoặc bất cứ hình thức nào phù hợp” nếu cuộc tập trận xâm lấn sang lãnh thổ nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, cuộc tâp trận của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình.
Vào tháng 1/2020, Jakarta đã triệu Đại sứ Trung Quốc, cử các đội tuần tra trên không và trên biển sau khi tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh quần đảo Natuna của Indonesia.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tìm mọi cách để gia tăng lợi ích ở Biển Đông, các nước ASEAN phải tăng cường sự đoàn kết và cùng nhau hành động nếu muốn tránh viễn cảnh tồi tệ nhất, đó là Trung Quốc thiết lập thành công “đế chế hàng hải”.
Mỹ và Australia ngày càng quyết liệt hơn
Sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh tìm cách xây dựng một “đế chế hàng hải” tại vùng biển này bất chấp những lo ngại trong khu vực, Canberra đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, nêu rõ các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đặt ra ở Biển Đông “không phù hợp” với luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Linda Reynolds sẽ tới Washington để hội đàm với những người đồng cấp Mỹ trong tuần này. Bên cạnh vấn đề an ninh quốc gia và Covid-19, hai bên sẽ thảo luận về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyên gia Stephen Nagy thuộc Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo nhận xét, các cuộc tập trận 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia là tín hiệu rõ ràng khẳng định Trung Quốc không có quyền kiểm soát Biển Đông.
Ấn Độ đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ đang nghiêng về lập trường của Mỹ, Nhật Bản, Australia. New Dehli dự kiến tổ chức cuộc tập trận hải quân mở rộng Malabar vào tháng 11/2020 với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và có thể cả Australia.
Chuyên gia Stephen Nagy nhấn mạnh: “Đối mặt với sức ép của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, Ấn Độ đang mong muốn mở rộng các cách thức hợp tác và sẵn sàng đẩy lùi Trung Quốc khi Bắc Kinh tận dụng cánh cửa cơ hội giữa sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra”.