Điểm sáng phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững
Vì Người cao tuổi 17/08/2023 10:19
Nông nghiệp hữu cơ không gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động |
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng hóa chất – sản xuất theo hướng hữu cơ ngày càng phát triển. Bên cạnh đạt được hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất còn có tác dụng tích cực về mặt xã hội, môi trường. Sản phẩm sản xuất theo qui trình an toàn đã được người tiêu dùng tin cậy, chấp nhận mua với giá cao hơn giá trị thị trường.
Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP phục vụ cộng đồng. Hội viên NCT đã áp dụng tiến bộ KHKT vào qui trình sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao không tồn dư hóa chất độc hại, cung cấp ra thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Điển hình trong lĩnh vực này có ông Nguyễn Văn Hùng, hội viên NCT xã Cư Yên, huyện Lương Sơn với diện tích hơn 5.000m2, ông trồng trên 10ha các loại rau như: Rau cải, su hào; cải bắp, lặc lày, đưa vào thử nghiệm trồng măng Tây trên đất ruộng…. Đồng thời, trồng xen canh, gối vụ để cung cấp thường xuyên cho các chuỗi nhà hàng, cửa hàng bán rau sạch tại Hà Nội, TP Hòa Bình, được người tiêu dùng lựa chọn; cho thu nhập ổn định từ 500 – 600 triệu đồng; ông còn kết hợp chăn nuôi lợn, gà sạch để lấy nguồn phân bón hỗ trợ cho trồng rau. Ngoài ra, ông còn thành lập được 1 nhóm sản xuất rau hữu cơ với 17 thành viên giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ gia đình trong nhóm và hội viên thu nhập ổn định từ 3 – 4 triệu/người/tháng.
Mô hình trồng, canh tác thực phẩm sạch tại các xã thị trấn như: Hàng Trạm, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương huyện Yên Thủy có hơn 300 hội viên tham gia; với tổng diện tích khoảng 200.000m2, thu hoạch bình quân mỗi năm đạt từ 700 – 800 triệu đồng. Mô hình trồng cây lương thực, nông sản thực phẩm sạch ở các xã Ngọc Lương, Yên Trị, Đoàn Kết, Phú Lai huyện Yên Thủy có khoảng 1.200 hội viên tham gia, diện tích mỗi năm ước tính có khoảng 500ha, bình quân thu nhập từ 500 – 1 tỉ đồng/năm. Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn với quy mô 5 trại gà; 2 trại vịt đạt chuẩn theo hệ thống chuồng trại của Công ty CP Việt Nam, không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi lứa thu hoạch trên 5 vạn con vịt; 38 vạn con gà, giải quyết cho 15 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Trước đó, năm 2017, ông được vinh danh doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hòa Bình.
Đối với huyện Cao Phong được thiên nhiên ban tặng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc trồng các loại cây hữu cơ có múi: Cam lòng vàng, cam đường, quýt… cho thu nhập cao, tạo nên thương hiệu trong và ngoài nước. Nhiều gia đình hội viên NCT đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả hữu cơ, kết hợp chăn nuôi tạo xây dựng mô hình VACR cho năng suất cao, ông Nguyễn Hồng Lâm, bà Nguyễn Thị Liên thị trấn Cao Phong; ông Bùi Văn Chậc, ông Bùi Văn Kỹ xã Dũng Phong thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
Còn các mô hình vườn, ao chuồng, trồng rừng tại 2 huyện Lạc Sơn; Yên Thủy cho thu nhập hàng năm đạt từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Tiêu biểu như: Gia đình ông Bùi Văn Đếch, Bùi Văn Vinh xã Lạc Sơn; hộ ông Nguyễn Văn Định, ông Đinh Hồng Tân huyện Yên Thủy; bà Nguyễn Thị Hiền, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn có trên 200 con lợn rừng; 3000m2 ao nuôi cá công nghệ cao với hơn 10ha trồng cây keo lấy gỗ mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỉ đồng.
Hội viên Hội NCT tỉnh đang từng bước tiếp cận thông tin, thích ứng rất nhanh với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP; phục hồi, phát triển nhanh các ngành nghề phù hợp lợi thế của từng địa phương; vùng sinh thái, tạo nên diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư, đưa các loại cây ăn quả đặc sản ở các vùng miền khác về trồng thử nghiệm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nhãn lồng Hưng Yên, thanh long ruột đỏ, bưởi diễn; dổi lấy hạt, dược liệu...
Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn. Ảnh tư liệu của Xuân Hiền |
Ông Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thời gian qua, một số hội viên NCT sản xuất kinh doanh giỏi đã bàn bạc, kí kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo ra những khu vực sản xuất; phát huy thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Qua các mô hình trên đã tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến một các linh hoạt, hiệu quả tạo tiền đề cho việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hữu cơ, công nghệ cao, VietGAP…
Nhờ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại, sơ sở sản xuất kinh doanh sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp phúc lợi cho xã hội. Toàn tỉnh có gần 2.000 nghìn trang trại, vườn trại do NCT làm chủ có gần 500 trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy phép chứng nhận kinh doanh có doanh thu đạt từ 1 - 2 tỉ đồng/năm…”.