Địa chỉ tin cậy cho trẻ "rối loạn phát triển"
Giáo dục 16/12/2020 17:18
Những điều tai nghe, mắt thấy ở Trung tâm Hướng Dương:
Chia sẻ những khoảnh khắc buồn và niềm vui với tôi tại Trung tâm Hướng Dương, và cũng là nhà riêng của Giám đốc Trung tâm, Nguyễn Thị Thanh Huệ, đồng thời là cơ sở 1 của Trung tâm.
Anh Đinh Quang Hoàng, ở xã Phương Nam, TP. Uông Bí có 3 người con, hai gái, một trai, hai cháu gái phát triển bình thường, riêng cháu trai là Đinh Quang Minh (cháu thứ 2), lúc sinh nặng 3,2 kg, phát triển bình thường, khổ nỗi cháu “trốn lẫy, bỏ bò”, 27 tháng tuổi biết đi và chạy luôn, không có phản ứng khi bố, mẹ, ông bà trò chuyện, khá ít sự tương tác giao tiếp xã hội với mọi người, khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt, không sử dụng hướng chỉ tay (ngón trỏ) để thể hiện nhu cầu, đặc biệt là không nhận biết được mức độ nguy hiểm trong sinh hoạt, cháu có thể đột nhiên chạy băng ra đường hoặc chạy đến lao vào bếp lửa, nồi canh, nồi nước đang sôi… nếu không có sự ngăn chặn của người lớn thì tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Anh chị đã đưa cháu đi khám nhiều nơi từ trung ương đến địa phương, đều nhận được câu trả lời bệnh của cháu phải kiên trì, dạy bảo từng ngày thì mới tiến triển…Qua giới thiệu, anh chị đưa cháu lên học tại Trung tâm, biết rằng tuyến đường đưa đi đón về mỗi ngày 40 km là rất vất vả, nhưng không thứ gì bằng con. Đến nay sau 2 tháng học tập cháu đã có những thay đổi đáng phấn khởi, đã nhận biết được đồ vật, biết cầm bô đi vệ sinh, tự cầm cốc để uống nước chứ không quăng, ném cốc như trước nữa, biết lắng nghe và giao tiếp, tương tác dài lâu hơn với bố mẹ, người thân…
Lớp học một cô, một trò (Cô giáo Đào Thị Vân và học trò là cháu Nguyễn Bình Minh 4,5 tuổi). |
Còn trường hợp cháu Nguyễn Bình Minh, ở xã Bình Khê, Đông Triều, bố mẹ là công nhân, cháu ở nhà với ông bà nội. Khi 2 tuổi, phát hiện cháu có biểu hiện câm, điếc (không có ngôn ngữ lời nói), kỹ năng đi vệ sinh không tự chủ được, rất sợ nhà vệ sinh, nhà tắm, hay đi kiễng chân, tay chân hoạt động liên tục, không sợ nguy hiểm, không nói được từ nào, không có phản ứng quay lại khi được gọi tên… Ông Nguyễn Hồng Phóng, cho biết: khi phát hiện cháu có biểu hiện lạ, gia đình tôi lo lắm, bố mẹ cháu đi làm không được nghỉ, thằng Minh lại là cháu đích tôn nên càng nghĩ, vợ chồng tôi đưa đi khám khắp nơi, làm cả việc tâm linh nhưng không hiệu quả. Khi biết ở Vĩnh Tuy có Trung tâm dạy cho trẻ “tự kỷ” vợ chồng tôi bỏ việc đồng áng thay nhau đưa cháu xuống học. Quãng đường xa 20 km nhưng không kể nắng mưa, thế rồi đến hôm nay đạt kết quả mỹ mãn. Từ chỗ không nói được đến 3 từ, rồi đến cả câu, biết chơi cùng bạn, khái quát được số lượng nhiều, ít, to, nhỏ, đếm được từ 1 đến 100, học và hát được trọn vẹn một bài hát. Kỹ năng phục vụ bản thân rất tốt, đã phân biệt được chân trái, phải để đeo giày, dép. Hiện cháu đang theo học lớp mẫu giáo 5 tuổi, sang năm vào lớp 1, tuy nhiên cháu vẫn còn nói ngọng nên mỗi ngày tôi cho cháu đến trung tâm học một giờ để rèn khiếm khuyết này.
Ông Phong cho biết thêm: Hiện nay ở trẻ em “bệnh lý” dạng như cháu ông không phải là hiếm gặp, nên người lớn phải bình tĩnh, không được giấu bệnh, mà phải đối mặt với sự thật, và phải hết sức kiên trì, con người là trên hết, mọi khó khăn đều có cách giải quyết… Bà Đỗ Thị Hoa, ở Khu Vĩnh Sơn - Mạo Khê, có cháu đích tôn là Nguyễn Thọ Trường, gia đình hiện đang sinh sống là “tứ đại đồng đường”, thế hệ chúng tôi, con chúng tôi không ai có biểu hiện như cháu: 3 tuổi không biết nói, đi thì kiễng chân, không bằng lòng thì nó đập đầu xuống đất hoặc húc đầu vào tường, khi khóc là “tè” luôn… may mà có Trung tâm của cô Huệ đây. Với giọng xúc động bà cho biết: Đưa cháu đến học ở Trung tâm hơn một tuần, về nhà khoanh tay “ạ” một câu, cả nhà từ các cụ, đến vợ chồng tôi, bố mẹ cháu đều vỡ òa sung sướng.
Các cháu đang học tập tại Trung tâm Hướng Dương |
Sau 2 năm học cháu phát triển tốt, đi học về biết chào ông bà, bố mẹ, tương tác với mọi người tốt, không đập, húc đầu vào tường nữa, chủ động vệ sinh cá nhân… hiện cháu đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Trường hợp cháu Nguyễn Tuệ Anh, con chị Đặng Thanh Hoa, công nhân Công ty Kho vận Đá Bạc lại khác. Tuệ Anh sinh năm 2016, phát triển bình thường, nhưng 32 tháng tuổi không biết nói, đi bằng nửa bàn chân, thích đập đồ như bát, cốc để nghe âm thanh... cả gia đình phản đối nói “nó” không có bệnh gì, và quyết định cho đi học mẫu giáo, được vài ngày nhà trường trả về do không tiếp thu được, đến phá quấy lớp, vợ chồng em cho cháu đi khám bác sỹ kết luận cháu “tăng động, chậm phát triển ngôn ngữ”…em đưa cháu đến Trung tâm học sau gần một tháng cháu bập bẹ nói, nay cháu phát triển tốt, hành vi chủ động được, đã biết phân biệt được nguy hiểm để tránh xa, biết giao tiếp với ông, bà, bố mẹ... công của các cô của trung tâm thật là trân quý, gia đình em mãi mãi biết ơn…
Hết lòng vì trẻ thơ, nét nhân văn ở Trung tâm Hướng Dương.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề khởi nghiệp chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, Giám đốc trung tâm cho biết; năm 2014, tốt nghiệp Cử nhân khoa Công tác xã hội Trường Đại học Hải Phòng. Thời sinh viên chị tham gia các hoạt động can thiệp, dạy trẻ em khiếm thính, khiếm thị…Sau khi tốt nghiệp đại học theo học các khóa học chuyên đề bồi dưỡng chuyên sâu của Khoa giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, được trực tiếp nghe các chuyên gia nước ngoài truyền đạt kinh nghiệm, ra trường cũng hy vọng xin được việc làm và giúp đỡ trẻ có rối loạn phát triển. Loay hoay mãi về công việc, năm 2016 chị quyết định nhận một số cháu trong khu vực có biểu hiện “rối loạn phổ tự kỷ” về dạy và cho kết quả khả quan. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh đưa con đến học chị ngày một nhiều và năm 2018 chị làm đề án trình các cấp, các ngành của Tỉnh xin thành lập Trung tâm.
Nói về khó khăn, thuận lợi trong quá trình hoạt động chị Huệ cho biết; Trung tâm hiện tại có đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, mến trẻ, không ngại khó, ngại khổ, và thực sự kiên trì với công việc bởi đối tượng học là các cháu “có nhiều rối loạn khác nhau”, không nhận thức đầy đủ hành vi của mình. Hơn nữa mỗi cháu có những biểu hiện đặc trưng cũng như hành vi riêng và một hoàn cảnh khác nhau, điều đầu tiên là phải xem xét, xác định đặc điểm của từng cháu để có phương án dạy cho phù hợp, vì thế nên mỗi trẻ phải học can thiệp cá nhân ở một phòng riêng, một cô một trò, có can thiệp nhóm nhỏ tổ chức học theo nhóm, đặc biệt phải bố trí thời gian học, thời gian vui chơi một cách hợp lý để các cháu vừa tiếp thu kiến thức vừa được vui chơi. Nói tóm lại phải xây dựng một chương trình dạy và học rất khoa học. Hơn nữa nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên trung tâm cũng đã chia sẻ một phần coi đó là những đóng góp thiện nguyện cho xã hội, cho cộng đồng.
Điển hình là chị Linh Thị Thủy là người dân tộc Dao, ở phường Yên Thọ, có con là Lương Đức Trường 6 tuổi, cháu có rối loạn phổ tự kỷ đang học tại cơ sở 1 của Trung Tâm, nhà nghèo thay vì không có tiền đóng góp, chị được Giám đốc Trung tâm tạo điều kiện phục vụ cơm, nước cho các cháu bán trú trong đó có con chị. Trường hợp chị Nguyễn Thị Vân có hoàn khảnh khó khăn ở phường Đông Triều, có con là cháu Nguyễn Trường Sơn có rối loạn phổ tự kỷ đang học ở cơ sở 2 khu Mễ Xá 3, Phường Hưng Đạo, Đông Triều cũng được Giám đốc Trung Tâm tạo điều kiện phục vụ cơm nước cho các cháu học tập tại Trung tâm. Về thu nhập của giáo viên, tuy nguồn thu có hạn nhưng Trung tâm trả lương trung bình từ 4,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng, các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép đã được lo đầy đủ. Theo chị Huệ giám đốc trung tâm, nỗi băn khoăn , trăn trở của chị hiện nay là số lượng trẻ đến xin học mỗi lúc một đông, chị e ngại rằng Trung Tâm sẽ gặp hạn chế về cơ sở vật chất trong việc mở rộng các phòng học theo đúng chức năng.
Thay cho lời kết
Trao đổi với chúng tôi về công việc chị Huệ chia sẻ: đốitượng học ở trung tâm hiện nay là các cháu từ 18 tháng đến 15 tuổi, có các biểu hiện rối loạn về tâm lý, một công việc hết sức khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên trung tâm luôn động viên nhau, cùng nhau học hỏi và đem tình yêu thương dành trọn cho các cháu, gắng đem hết khả năng của mình để dạy, dỗ các cháu, mang niềm vui đến cho bố mẹ các cháu và gia đình. Rất mong với tình hình thực tế hiện nay các cấp Chính quyền tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là thị xã Đông Triều quan tâm để cơ sở được mở rộng có thêm các phòng học với đầy đủ công năng đáp ứng được yêu cầu giáo dục trẻ có rối loạn phát triến của xã hội và có các chính sách, chế độ động viên tinh thần cho đội ngũ giáo viên đang làm việc, chăm sóc các cháu có rối loạn phát triển tại Trung Tâm. Bởi, trong Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh ghi rõ: “Trung tâm có chức năng phát hiện khuyết tật để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp, thực hiện các biện pháp can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại cộng đồng, tư vấn tâm lý sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp, hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục cộng đồng, cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù, phù hợp với từng dạng tật, khuyết tật. Chịu sự quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo”.