Để xã hội được an lành…
Bình luận 08/04/2019 15:47
Ông Nguyễn Duy Hy, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hưng Yên:
Thực tế nêu trên, tôi cũng không thể chấp nhận được. Qua vụ việc này và thực tế nêu trên, tôi càng thấy việc giáo dục về đạo đức, lối sống không chỉ cho học sinh ở các nhà trường, mà còn là giáo dục đạo đức, lối sống cho cả mọi người để nhân lên cái thiện, cái tốt đẹp cho xã hội của chúng ta; đồng thời cái ác, cái xấu bị lên án, bị trừng trị và dần dần mất đi.
Để bảo vệ hội viên và bảo vệ bản thân trước vấn nạn bạo hành hiện nay, tổ chức Hội và NCT cần thực hiện tốt công tác chăm sóc NCT cả về sức khỏe, về vật chất và tinh thần theo nội dung Nghị quyết Đại hội V Hội NCT Việt Nam nhiệm kì 2016 - 2021 đề ra. Phát huy vai trò của NCT trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đối với con cháu trong gia đình, dòng họ, thế hệ trẻ. Tích cực đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, những nạn bạo hành hiện nay.
Ông Lê Quang Dực, giảng viên Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, cựu Tổng Biên tập Báo Bắc Thái, Báo Thái Nguyên:
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hành vi thể hiện đạo đức xuống cấp trong đó có bạo lực học đường ngày một gia tăng. Đó là do mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội bị buông lỏng; sự thiếu gương mẫu, thái độ vô cảm của người lớn, của thầy cô giáo đã làm ảnh hưởng đến học sinh và những hành vi bạo lực của trẻ không được ngăn chặn kịp thời; hình thức kỉ luật trong nhà trường chưa thật phù hợp nên chưa có ý nghĩa giáo dục. Tình trạng người lớn, trong đó cả NCT, cán bộ, đảng viên có hành vi dâm ô với trẻ em, trẻ nhỏ cũng đang gia tăng; là hệ quả của sự thiếu gương mẫu, rèn luyện đạo đức tác phong, pháp luật chưa đủ sức răn đe. Chúng ta chưa chú trọng giáo dục giới tính, kĩ năng phòng tránh, chống loại tội phạm này.
Để khắc phục, chúng ta cần một giải pháp đồng bộ. Trước tiên thực hiện nhanh và đúng chương trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo quốc gia; chú trọng sửa ngay hình thức kỉ luật theo hướng công khai, dân chủ đối với học sinh hư; gắn trách nhiệm của gia đình với nhà trường và xã hội, của thầy cô giáo đối với học sinh. Có cơ chế chặt chẽ thể hiện trách nhiệm của các ngành bảo vệ pháp luật nhất là công an phường, xã với việc quản lí, giáo dục học sinh cá biệt; bảo vệ các thầy cô giáo, học sinh khi bạo lực xảy ra. Bên cạnh đó, Hội NCT cần phát huy vai trò "Tuổi cao - Gương sáng" cho con cháu noi theo ngay trong mỗi gia đình và làng xóm, tổ dân phố. Trong NCT có nhiều nhà khoa học, thầy giáo lão thành nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Tôi nghĩ, Hội cần tập hợp lấy sáng kiến do NCT đề xuất góp ý với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo... góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế thừa những tinh hoa văn hóa, đạo đức của cha ông.
Ông Đinh Minh Thử, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Quảng Bình:
Tình trạng bạo lực học đường tuy không phổ biến nhưng đã làm nhức nhối trong xã hội, là dấu hiệu băng hoại về đạo đức; để lại nỗi đau lòng và lo lắng đối với cha mẹ, ông bà và trăn trở của giáo viên. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các bậc làm cha làm mẹ trong việc quản lí, nuôi dạy con cái; thứ hai là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà trực tiếp là người đứng đầu nơi để xảy ra vụ việc (hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm); sau cùng là trách nhiệm xã hội trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và bùng nổ thông tin như hiện nay. Do vậy cần sự phối hợp của toàn xã hội, mà trước hết là Hội đồng Đội, Đoàn Thanh niên, Hội Cha mẹ học sinh, Hội Phụ nữ… tạo mối quan hệ phối chặt chẽ, khoa học giữa gia đình - nhà trường và xã hội; tạo dựng môi trường giáo dục toàn diện về đức, tài, thể, mĩ.
Cũng thời gian gần đây lại dấy lên trong dư luận về tình trạng vi phạm pháp luật về loại tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có hành vi do NCT thực hiện, làm ô danh lớp người "Tuổi cao - Gương sáng", phương hại đến thế hệ trẻ. Những hành vi ấy cần phải xử lí nghiêm khắc để cảnh tỉnh, đồng thời tạo thành áp lực dư luận phê phán mạnh mẽ. Đặc biệt là đối với NCT có đầy đủ nhận thức, hiểu biết pháp luật mà vi phạm thì càng phải xử lí nghiêm để góp phần răn đe, giáo dục chung.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Hội NCT xã Thanh Đình, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ:
Khi chứng kiến cảnh bạo lực học đường và tình trạng NCT vi phạm pháp luật xảy ra gần đây, mọi người không chỉ cảm thấy xót xa, thương tâm, mà hết sức bức xúc, ái ngại. Một phần cũng do việc tiếp cận các loại hình thông tin đa chiều đang bùng nổ hiện nay. Mặt khác, công tác quản lí giáo dục, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, người quản lí chưa sâu sát, giải pháp chưa cụ thể, việc nhỏ cho qua, không phát hiện được sớm mâu thuẫn để kịp thời ngăn chặn. Luật pháp chưa đủ mạnh, xử lí còn tùy tiện nặng về bệnh thành tích, che giấu hoặc qua loa nội bộ. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức còn hạn chế, chưa sâu, chưa hiệu quả.
Theo tôi, cần thiết gắn kết nhà trường, xã hội và gia đình, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thông qua hệ thống cán bộ lớp, đoàn, đội, cán sự bộ môn để nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn khi chưa phát sinh. Hội NCT cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng" đến tận chi hội, tổ hội và từng hội viên; phát huy được sức mạnh của các tổ chức như MTTQ, đoàn thể các cấp. Đặc biệt, khung hình phạt phải thật mạnh, kể cả kinh tế để đủ sức răn đe, làm gương cho đối tượng khác.
Ông Pang Ting Uôk, già làng ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng:
Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa có thể do nền giáo dục của ta chưa đầu tư sâu về sự hình thành nhân cách và rèn luyện đạo đức con người. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của đất nước, bùng nổ của công nghệ, những cuộc cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn; kéo theo hệ lụy là cuộc sống bon chen, nảy sinh tư tưởng đua đòi, chụp giật. Khách quan là do tác động của cơ chế thị trường, song cũng không loại trừ sự phá hoại có chủ ý từ bên ngoài.
Trong khi ý thức, trách nhiệm với xã hội còn hạn chế, thì mối quan hệ giữa con người với con người bị chi phối, đạo đức có phần suy đồi, mất cân đối đi. Cần tìm ra nguyên nhân để hóa giải, ngăn chặn mâu thuẫn phát sinh ngay từ cuộc sống sinh hoạt, cư xử giao tiếp hằng ngày trong từng gia đình. Ở đây, vai trò của cán bộ cơ sở rất quan trọng. Nếu không có những "cánh tay nối dài" là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín thì chúng ta khó mà giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ông Trần Xuân Thành, Chủ tịch MTTQ xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ:
Đó là hành động của những con người không còn nhân tính, xuất phát từ sự phân hóa giàu nghèo. Chúng ta cần lên án mạnh mẽ, đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi xấu, đồng thời xử lí nghiêm khắc, thậm chí phải thật hà khắc. Một xã hội phát triển phải lấy đức làm trọng. Hành vi vi phạm đạo đức phải nghiêm trị với mức phạt cao nhất. Việc học sinh nữ ở Hưng Yên bị các bạn đánh hội đồng cần sớm có biện pháp quyết liệt của ngành Giáo dục. Xem xét lại công tác quản lí thế nào, trách nhiệm người đứng đầu đến đâu? Tôi nghĩ, NCT cần tiếp tục phát huy vai trò tuổi cao nêu gương sáng, nên có những buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, thường xuyên nhắc nhở, dạy bảo con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; sống hiếu thuận, đoàn kết, yêu thương.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội:
Những vụ xâm hại tình dục với nạn nhân dưới 16 tuổi và phụ nữ gây bức xúc trong dư luận cho thấy tình trạng rất đáng báo động về đạo đức, lối sống của một số đối tượng có suy nghĩ bệnh hoạn, biến thái. Đây chỉ là những vụ việc có video ghi hình, còn rất nhiều vụ việc khác nạn nhân xấu hổ nên không được công khai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí, mất an toàn cho rất nhiều phụ nữ, trẻ em, tạo sự bất an trong xã hội. Trong khi quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập, mức hình phạt đối với các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Tiêu biểu đó là vụ cưỡng hôn xảy ra ở cầu thang máy, mức phạt chỉ có 200.000 đồng. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có quy định xử lí nghiêm khắc hơn và bảo vệ tối đa cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Hoàn thiện các quy định pháp luật hiện tại, tạo ra hành lang pháp lí rõ ràng, phù hợp với thực tế, đủ sức răn đe, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Đối với NCT cần phải có lối sống lành mạnh, tôn trọng pháp luật, tích cực đấu tranh, loại trừ các hành vi xâm hại trẻ em, phụ nữ để làm gương cho con cháu và thế hệ trẻ. Có thể các tổ chức Hội, hội viên NCT xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tích cực hỗ trợ các cơ quan nhà nước đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Thanh Hà (Thực hiện)