Đặc sắc tạo hình trên giấy
Nhịp sống 31/07/2020 09:54
Và gần đây là gấp dán, cắt uốn giấy (sách) thành những tranh tượng mới lạ. Mỗi tác phẩm đều rất đặc sắc, thú vị và có tính giáo dục cao.
Mở đầu trong nghệ thuật tạo hình trên giấy hấp dẫn nhất hiện nay có lẽ là tranh ba chiều (3D) trên nhiều trang giấy trắng. Bằng việc vẽ người hoặc vật trên cùng nhiều mảnh giấy, có chỗ tô đậm, có chỗ tô nhạt cùng các hiệu ứng bóng đổ, ta có thể khiến mọi thứ sống động và không chỉ vậy nhìn ở một góc độ định trước, còn hiện lên như thật. Điều đầu tiên đập vào mắt người xem luôn là sự tương phản mạnh mẽ giữa màu chì, sơn, mực với nền giấy trắng. Kế tiếp là những chi tiết sắc sảo và cuối cùng là nhiều độ sâu, do các họa tiết được bố trí ở các tờ giấy khác nhau, chí ít là hai tờ, rồi được chụp hình và in trên ăn “ảnh”. Tất cả đánh lừa thị giác, đem tới nhiều yếu tố bất ngờ, hài hước.
Đặc sắc tạo hình trên giấy |
Giống như tranh 3D, kí họa nguệch ngoạc (Doodle) cũng cho những hình vẽ nổi bật. Mà để làm một tác phẩm, phải mất hàng tiếng đồng hồ cần mẫn vẽ hàng nghìn chi tiết, cùng nói về hoặc tôn một nội dung chính. Đầu tiên là phải chọn một vật cụ thể, ví dụ chiếc lá, bông hoa, rồi phóng tác dày đặc quanh nó và nhờ phối cảnh xa gần, tạo cảm nhận về một thực thể trỗi dậy, gồ ghề, nhấp nhổm.
Từ những tờ báo cũ, cuối thập niên 90 đã xuất hiện tranh nhỏ mực trên báo (dùng mực cho chảy thành chân dung, hình người và vật trên báo), hơn thế do giữ nguyên những bài viết, tin tức làm nền, mọi hình vẽ đều nửa chìm nửa nổi trong chữ như tàng hình. Nó cho thấy sự mỏng manh, nhạt nhòa của sự sống, cùng những tính chất vui buồn về các hoàn cảnh trong đời sống.
Giấy cắt dán sách |
Cùng với tranh vẽ là tranh, vật gấp giấy, ví dụ như tranh gấp nếp thành nhà chẳng hạn: Lấy một tờ giấy màu trắng và gấp nó thành vô số những cái nếp. Mỗi nếp gấp sẽ cho ra một chi tiết thuộc cấu kiện hoặc hoa văn ngôi nhà. Và nếu là tranh lâu đài, dinh thự với những hàng cột, cầu thang, cửa sổ… thì phải chứa hàng triệu nếp gấp. Tuy chỉ cách nhau mấy milimét, song chúng tạo cho người xem cảm tưởng mọi thứ phải lớn, thênh thang lắm. Hơn thế vì là gấp nếp, có chỗ nhô lên thụt xuống nên mỗi khi bắt sáng hay bị che khuất, cảnh vật đều biến đổi theo, chân thật hoặc huyền bí.
Thế nhưng, nhiều nhất vẫn là những tác phẩm đẽo gọt, cắt xén giấy, sách thành hình, các dòng chữ, biểu tượng. Người ta sẽ gập hẳn các trang sách cho đan kết với nhau, hoặc dùng dao trổ khoét, tỉa gọt nên những hình 3D từ ruột sách. Chúng vừa vực dậy sự sống ở những quyển sách cũ, vừa là giáo cụ trực quan về thủ công và tình yêu cuộc sống.