Đa dạng sinh kế của người cao tuổi ở miền Tây Nam Bộ
Xã hội 05/04/2023 09:30
Nhiều năm trước, cái thời con ốc nằm lềnh ngoài đồng ruộng, người ta đã biết nó là món ăn ngon “bá cháy” của xứ miệt vườn. Khi con ốc nội địa khan hiếm hơn, thì ốc “nhập khẩu” tràn về. Dù khác nhau về xuất xứ, chủng loại, chúng vẫn được ưa chuộng như nhau, mang lại thu nhập cho những người trót nặng nợ với “đời ốc”.
18 năm trước, bà Thạch Thị Thu Hà rời quê Trà Vinh, theo chồng về xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Cũng ngần ấy năm, bà trải cuộc đời mình trên chiếc sạp đơn sơ này, chọn việc bán ốc làm kế sinh nhai.
Bà Phạm Thị Ánh 72 tuổi có 21 năm làm nghề vót đũa |
Bà Hà không phải là người duy nhất mở sạp bán ốc trên đoạn đường quê này. Nếu đi từ Quốc lộ 91 đoạn thuộc xã Nhơn Hưng sang Tỉnh lộ 948 về đến thị trấn Nhà Bàng, có rất nhiều người bán ốc nhưng bà Hà là người bán lâu năm nhất. Trên đường từ chỗ bà Hà, nhiều sạp ốc nối tiếp nhau tạo thành xóm ốc đặc trưng. Bỏ lỡ sạp này, còn sạp khác phía trước. Mỗi sạp đều bán vài loại ốc khác nhau. Điển hình như ốc bươu đen, bởi độ béo của ốc bươu đen vừa phải, có giá trên dưới 40.000 đồng/kg.
Ốc vùi được thu mua từ Campuchia, đắt gấp đôi ốc bươu đen. Khi con nước trong đồng cạn hẳn, chúng vùi sâu xuống đất, tạm lánh qua mùa khô. Mưa đầu mùa rớt xuống, chúng ngoi đầu lên, rồi bị tóm gọn. Trong khi đó, ốc đắng rặt “quốc tịch Việt Nam”, vẫn còn rất nhiều; bà Hà chỉ việc cách ngày ra sau vườn bắt chúng đem bán. Giá của chúng rẻ phân nửa so với ốc bươu đen, dao động khoảng 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày bà Hà bán được khoảng 30kg ốc các loại, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Dĩ nhiên, có hôm vừa dọn ra, khách đến đông, mua sạch sẽ. Cũng có hôm, chị và con ốc nhìn nhau buồn thiu, vì khách qua đường chẳng dừng lại…
Mưu sinh bán ốc bên đường. |
Bắt được mớ ốc đồng, người quê đem bày bán ở chợ, ở nơi đông người qua lại. Hình ảnh ấy rất quen thuộc, dễ dàng tìm thấy bất kì đâu ở miền Tây. Món ăn dân dã, người bán một nắng hai sương gắn bó với lam lũ… khơi gợi nhiều cảm xúc. Đó là những tháng ngày lúa Đông Xuân đang vào vụ, mưa xấp xấp, ốc vùi từ lòng đất chui lên. Thịt ốc trắng trẻo, mỡ màng, cắn tới đâu nghe mềm rụp tới đó. Ăn không hết, mọi người đem chúng ra chợ bán. Một kí ốc bán ra, chưa đổi được ổ bánh mì không. Nhưng hồi đó, thiên nhiên hào sảng giúp người miền Tây lặn lội đắp đổi qua ngày. Giờ, giá ốc tăng cao gấp mấy chục lần, thì chúng lại ít dần, ít dần… Ăn ốc, không chỉ là ăn sản vật ruộng đồng, mà còn là tận hưởng lại kí ức của thời xưa cũ, để nghe rưng rưng hương vị quê nhà. Có lẽ vì thế, ốc nâng vị thế, nhà hàng, vào quán ăn sang trọng, góp chút nhung nhớ ngày xưa cho những người hôm nay.
Khi chúng tôi đến núi Cấm, huyện Tịnh Biên, thấy nhiều NCT ngồi vót đũa tre. Lân la đến hỏi chuyện mới biết, nghề vót đũa tre tại núi Cấm được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các thợ vót đũa tre thường là những người trong gia đình, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.
Toàn bộ quy trình sản xuất đũa tre của các hộ dân ở núi Cấm hoàn toàn đều bằng thủ công, bắt đầu từ việc chọn lựa tre nguyên liệu, đến việc xẻ, bào và vót đũa... được thực hiện thật tỉ mỉ và khéo léo, để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mỗi chiếc đũa phải được căn chỉnh sao cho đều tay, đầu nhỏ dần về cuối và không bị cong hoặc lồi lõm.
Sản phẩm đũa từ vùng núi Cấm, tỉnh An Giang. |
Các công đoạn chế biến đũa tre còn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đầu tiên, cây tre được trồng trên đỉnh núi Cấm, có tuổi trưởng thành từ 4-5 tuổi mới được sử dụng để vót đũa. Mỗi cây tre giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng, có thể vót khoảng 500 đôi đũa. Sau khi cắt, tre được chẻ nhỏ và bán với giá khoảng 500.000 đồng 1 thiên (1.000 đôi). Để chống mối mọt, tre được ngâm với phèn chua ít nhất 1 năm, với tỉ lệ 1 thiên tre đã chẻ ngâm 10kg phèn.
Đũa tre ở núi Cấm có nhiều loại giá khác nhau, phụ thuộc vào màu sắc và chất lượng. Đũa đỏ được làm từ tre hứng nhiều ánh sáng mặt trời, nên cứng, có màu sậm, giá khoảng 3.000 đồng/đôi. Còn tre khuất nắng thì làm ra đũa màu trắng, mềm hơn, nên có giá từ 2.000 - 2.400 đồng. Giá bán cũng phụ thuộc vào kĩ năng và khéo léo của người vót đũa.
Bà Phạm Thị Ánh gắn bó với nghề vót đũa trong suốt gần 21 năm qua ở núi Cấm cho biết, dù đã 72 tuổi và mắt không còn sáng, nhưng bà vẫn tiếp tục với nghề vót đũa. Với sự đam mê nghề, bà cố gắng bảo đảm các yêu cầu kĩ thuật, số lượng đũa để bán hằng ngày. Nhờ nghề vót đũa, bà Ánh đã nuôi các con ăn học và bảo đảm cuộc sống về già với thu nhập ổn định.
Nghề vót đũa tre trên núi Cấm không chỉ giúp bảo đảm cuộc sống của các hộ dân, mà còn giúp tạo ra thu nhập khá cho những người trồng tre. Phần lớn các hộ làm nghề vót đũa khi nông nhàn, nhưng cũng có những gia đình như bà Ánh thì làm quanh năm..
Đa dạng sinh kế của người cao tuổi ở miền Tây Nam Bộ |
Đa dạng sinh kế của người cao tuổi ở miền Tây Nam Bộ |