Cơ phó Bamboo Airways trải lòng về nỗ lực trong môi trường học tập chuyên nghiệp, minh bạch và toàn diện tại Hãng
Nhịp sống 14/12/2020 16:38
Quyết định bước ngoặt
Gặp Vũ Trung Hiếu (31 tuổi) sau chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, chuyến bay thương mại đầu tiên không có giáo viên đi kèm, ấn tượng đầu tiên về chàng trai này là sự cởi mở, thân thiện, nhưng cùng lúc là sự điềm đạm, đáng tin cậy.
Hiếu cho biết, sau khoảng 5 tháng huấn luyện trong các điều kiện khai thác thương mại thực tế tại Bamboo Airways, anh đã tích luỹ được khoảng 156 giờ kinh nghiệm cùng giáo viên trên dòng máy bay Airbus A320F, để đến với vị trí cơ phó như hiện tại, “cửa ải” cuối cùng chính là bài kiểm tra cùng thầy Ngô Hoàng Long, cơ trưởng, đồng thời là giáo viên của Bamboo Airways.
Cơ phó Vũ Trung Hiếu - học viên khóa đầu tiên của chương trình Đào tạo phi công tập sự, hiện tại đã có thể bay thương mại mà không cần giáo viên bay kèm. |
Anh chia sẻ thêm: “Buổi kiểm tra diễn ra vào ngày 03/11, tôi bay chặng TP Hồ Chí Minh – Vân Đồn. Hôm đó cảm giác vừa mừng vừa lo, nhưng rồi sau đó tôi cũng bình tâm lại, áp dụng kiến thức, kỹ năng đã được huấn luyện trong giai đoạn vừa qua để hoàn thành hành trình bay một cách an toàn và hiệu quả nhất. Sau chuyến bay, thầy cũng đã đánh giá tôi đạt đủ các yêu cầu cần thiết, áp dụng được các kiến thức đã học vào chuyến bay cũng như có thể trình bày cho giáo viên cách tôi xử lý vấn đề trong khi bay”.
Đạt được cột mốc này, Hiếu cho biết: “Để một cá nhân từ con số 0 đến khi các thầy có thể an tâm “thả” bay cùng các cơ trưởng trong hãng, thực sự là một quá trình không hề đơn giản. Bởi thế, tôi cũng cảm thấy có chút tự hào về bản thân vì đã đáp ứng được những yêu cầu mà Trung tâm đào tạo đã đề ra, cũng như từ các giáo viên trong quá trình huấn luyện vừa qua”.
Đối với Hiếu, việc các thầy có thể tin tưởng cho anh bay không cần kèm cặp nghĩa là có nhiều hơn cơ hội để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cũng như kỹ năng từ những cơ trưởng khác trong đội bay – những người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không tại công ty.
Ở độ tuổi 31, trước khi “đầu quân” về Bamboo Airways, Vũ Trung Hiếu từng là kỹ sư phát triển phần mềm gần 9 năm, và trong đó có khoảng 3 năm làm việc ở nước ngoài. “Dù công việc có mức lương ổn định, nhưng tôi nhận ra việc ngồi văn phòng 8 giờ mỗi ngày, rồi liên tục làm thêm giờ khiến bản thân bị cuốn vào vòng xoáy công việc không rút ra được, khi đó tôi cảm thấy sự không ổn. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ và đưa ra quyết định tương lai nên đi hướng nào trong khi độ tuổi không còn trẻ nữa. Rồi ước mơ được trở thành phi công quay trở lại”.
Hiếu bộc bạch thêm, vì nhà ở ngay gần sân bay, thế nên việc anh nhìn thấy máy bay cất hạ cánh, tiếng động cơ rầm rì mỗi ngày gần như là một phần lớn lý do tạo nên động lực lớn như ngày hôm nay.
Can đảm lựa chọn
Tìm kiếm công việc phù hợp luôn là một hành trình với những chọn lựa không ngừng nghỉ. Trên hành trình này, không có chọn lựa nào duy nhất đúng đắn, mà chỉ có lựa chọn hợp lý tại thời điểm đó.
Quay trở lại nhìn quá khứ, cơ phó của Bamboo Airways cho biết anh chưa từng hối hận ở bất cứ quyết định lớn nào. Từ việc theo ngành IT, sang nước ngoài công tác, bỏ ngang để trở về Việt Nam, quyết định sang Úc học phi công, hay tham gia Chương trình phi công tập sự của Bamboo Airways.
“Học tập và gắn bó với Bamboo Airways là quyết định rất đúng đắn của tôi sau khoảng thời gian dài chờ đợi”. Giải thích thêm về câu khẳng định này, anh nói: “Chương trình học mà Bamboo Airways xây dựng và triển khai đã bao hàm được các khía cạnh mà một người học viên cần phải đạt cơ bản để bước lên trở thành một cơ phó trên dòng máy bay thương mại mà hãng đang khai thác”.
Theo anh, việc theo học ở Bamboo Airways có nhiều ưu điểm. Một là về tiến độ đào tạo nhanh chóng, quá trình đào tạo rõ ràng, minh bạch, cá nhân cần tự chứng minh bản thân bằng năng lực. Toàn bộ các kết quả kiểm tra năng lực phi công đều được lưu lại để đảm bảo tuyệt đối tính minh bạch.
Ngoài ra, quá trình đào tạo đều được thực hiện công khai, dưới sự đánh giá sát sao của các giáo viên có trình độ, dày dạn kinh nghiệm, và uy tín. “Các giáo viên tại Bamboo Airways đều là phi công giàu kinh nghiệm, mỗi chuyến bay tôi đều được truyền đạt rất nhiều kiến thức thực tiễn trong khai thác thương mại”, anh cho biết.
Cơ phó của Bamboo Airways cũng dành nhiều lời cảm ơn đến với Đoàn bay: “Trong suốt quá trình đào tạo và thực hành trên các dòng máy báy Airbus A319/320/321, tôi đã nhận được sự hỗ trợ tối đa từ phía cấp quản lý. Cụ thể là Giám đốc khối Khai thác bay- Cơ trưởng Trần Quốc Chiến; Đội trưởng đội bay A320F - Cơ trưởng Nguyễn Đức Mạnh; hay Cơ trưởng Trần Lê Văn Tùng - Trung tâm đào tạo của Bamboo Airways đã dành nhiều thời gian để theo sát các giai đoạn, xây dựng và củng cố chương trình huấn luyện; đặc biệt không thể thiếu được sự hỗ trợ nhiệt tình và tận tâm của các giáo viên đi kèm. Sự thuận lợi trong suốt quá trình đào tạo cũng được góp phần bởi bề dày kinh nghiệm trong huấn luyện và giảng dạy của các thầy tại đội bay”.
Hỗ trợ tối đa
Cơ phó Vũ Trung Hiếu cũng cho biết thêm, vì đã từng làm việc ở các doanh nghiệp tại Nhật Bản – đất nước nổi tiếng với sự nghiêm túc, chuẩn chỉnh trong tác phong làm việc, nên anh cảm thấy môi trường đào tạo mà Bamboo Airways cung cấp rất chuyên nghiệp, các phòng ban đều hỗ trợ học viên tối đa: từ đoàn tiếp viên, tổ bay, đến các Khối dịch vụ mặt đất, phòng Kế hoạch tổ bay, phòng Kỹ thuật khai thác...
“Ngoài ra, sự kết nối về thông tin luôn chặt chẽ, nên hầu hết các vướng mắc ngay cả khi trước chuyến bay cũng được giải quyết rất nhanh chóng dựa theo tình hình thực tế. Tất cả những điều trên tạo nên một môi trường đầy tính chuyên nghiệp, minh bạch, có sự đóng góp từ các phía. Đây là điều có lẽ không chỉ riêng tôi, mà bất cứ học viên nào cũng mong muốn”, anh cho hay.
Phi công được biết tới là ngành có sự kiểm tra liên tục, và lặp đi lặp lại hàng năm hoặc mỗi 6 tháng, chính vì thế cần phải có sự nỗ lực, học hỏi; chưa kể đến quá trình huấn luyện còn tốn kém về thời gian, công sức, và tiền bạc. Chọn làm phi công, như một người trong ngành từng nói, chính là “được nhận bằng để đi học và thi cả đời”.
Nhưng khi vào nghề, Hiếu cho biết, anh lại nhận ra nhiều điều khác nữa, đấy là sự trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, và đặc biệt là gia đình. “Nhiều người nghĩ rằng nghề đi bay chiếm quá nhiều thời gian, nhưng thực tế với tôi, phi công chỉ làm việc trong một khung giờ nhất định, khi đóng cửa buồng lái thì chú tâm thực hiện nhiệm vụ sao cho an toàn và tiết kiệm nhất cho hãng, ngoài giờ làm việc thì có thể toàn tâm toàn ý quay về với gia đình, không như công việc cũ, có thể cuốn bản thân vào bất cứ lúc nào ngay cả khi đang dùng bữa với mọi người. Bamboo Airways như một nơi để tôi có thể đạt được ước mơ từ thuở bé, đi đây đó, học hỏi thêm nhiều thứ, và tạo ra cuộc sống ổn định hơn trong tương lai”, anh kết lại.