Chuyện làm khuyến học của thầy Dương
Giáo dục 23/04/2018 14:15
Thầy Nguyễn Trọng Dương cùng các em học sinh |
Khởi đầu của chuyến hành trình là thời điểm thầy Dương về hưu năm 2002. Vốn có suy nghĩ sau khi thôi công tác sẽ trở về chăm nom vườn tược, vui thú điền viên với gia đình. Nhưng khi nhận được sự tin tưởng của đồng chí Nguyễn Kim Trân – Nguyên là Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh lúc bấy giờ, thầy Dương lại “xắn tay” bắt đầu vào một công cuộc “dựng xây” tri thức hết sức đặc biệt và vẫn còn rất mới mẻ tại thời điểm đó.
Với kinh nghiệm nhiều năm trên cương vị Bí thư Huyện ủy huyện Đoan Hùng, nhận thấy yêu cầu cấp thiết nhất lúc đó là phải tập hợp được đội ngũ cán bộ khuyến học có tâm và có tầm. Tức là phải là những người có trình độ chuyên môn tốt, đồng thời phải có tấm lòng gắn bó với sự nghiệp học tập của nhân dân. Thầy Dương đã tham mưu cho cấp ủy của huyện ban hành Thông tri 23 vào năm 2002, trong đó nội dung chính quy định về việc bổ nhiệm cán bộ đứng đầu các hội khuyến học từ huyện đến cơ sở tối thiểu phải là cấp ủy cùng cấp.
Nhận xét về “bước đi đầu” này, tại Hội thảo khu vực phía Tây Bắc do TW Hội khuyến học tổ chức tại Yên Bái, Tiến sĩ Phạm Tất Dong đã kết luận: Cách làm về tổ chức ban đầu của Đoan Hùng rất sáng tạo, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nòng cốt rất trách nhiệm, tạo được sự lan tỏa đối với quần chúng cơ sở.
Ngay từ những thời điểm đầu tiên, thầy Dương cùng cộng sự của mình - thầy Khoát đã cùng rong ruổi tới mọi miền của huyện để nắm bắt hoàn cảnh thực tế và chỉ đạo phong trào khuyến học cho phù hợp. Phương tiện di chuyển có khi là xe đạp, có khi là xe máy... Cứ như vậy, không quản nắng mưa, xa gần… Biết bao mảnh đất đã in dấu chân của các thầy.
Thầy Nguyễn Trọng Dương bên cây bưởi khuyến học của ông Lê Văn Sở tại thôn 5, xã Nghinh Xuyên |
Khi được hỏi về những kỷ niệm mà bản thân nhớ nhất trong suốt những năm tháng năm gia hoạt động khuyến học, thầy Dương kể cho tôi về cặp chị em song sinh nhà nghèo giờ đã là kĩ sư thủy lợi, về hai chị em mất bố bơ vơ ở Nghinh Xuyên, kỉ niệm dựng xây mái ấm khuyến học cho các gia đình tại Phương Trung… Những hình ảnh chiếu ngược cả quãng đường dài, biết bao gương mặt trẻ thơ đều được thầy ghi nhớ, biết bao số phận đã được thầy dẫn đường tới một tương lai tươi sáng hơn.
Trong những điều thầy kể, có rất ít câu chuyện về bản thân. Quá trình công tác của thầy được gắn với những câu chuyện, địa danh cụ thể. Như khi nói về sự ra đời của Học bổng mang tên “Trái bưởi vàng” năm 2012, đây được coi là một trong những địa chỉ được các mạnh thường quân tin tưởng ủng hộ, đóng góp. Tổng thu hơn 15 tỷ đồng của quỹ đã giúp cho hàng ngàn em học sinh nghèo tiếp tục được đến trường, hàng trăm em có áo mới, chăn ấm, sách vở. Gần 25.000 xuất quà và 2.149 xuất hỗ trợ đã được trao trong vòng 5 năm qua để khích lệ, động viên các em học sinh.Trong quá trình gắn bó với công tác khuyến học, thầy Dương đã có những định hướng, sáng tạo để các hoạt động đi vào chiều sâu, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Năm 2014, Trung ương Hội Khuyến học cùng với Bộ GD&ĐT phát động chương trình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” với mục đích tạo nguồn tiết kiệm tại chỗ ở mỗi cơ sở giáo dục nhằm phục vụ cho mục đích khuyến học. Thầy Dương khi ấy đã đề xuất với tỉnh hội và kết nối với Liên hiệp Hội phụ nữ huyện Đoan Hùng triển khai nuôi lợn nhựa khuyến học tại mỗi gia đình. Kết quả thu được là ngoài sức tưởng tượng, tại ngày hội “mổ” lợn đầu tiện tại xã Tây Cốc vào tháng 8-2014 đã thu về hơn 8 tỷ đồng tiền tiết kiệm. Phó chủ tịch Hội khuyến học tỉnh , đồng chí Tạ Thị Ngữ có mặt tại ngày hội đã vô cùng ngạc nhiên. Từ đó, mô hình nuôi lợn nhựa khuyến học ngày càng được nhân rộng với các hội viên hội phụ nữ, đưa phong trào này trở thành một trong những phong trào nổi bật nhất trong hoạt động khuyến học Đoan Hùng.
Một trong những hoạt động của Hội khiến thầy Dương tâm đắc hơn nữa là hiệu quả của mô hình “Cây bưởi khuyến học” - được phát triển rộng khắp trên các địa phương ở Đoan Hùng. Với ý tưởng mỗi gia đình sẽ để dành từ một tới một vài cây bưởi tùy theo điều kiện, tiền thu được từ số bưởi bán sẽ để dùng cho các khoản chi cho giáo dục, đóng góp cho hội khuyến học cơ sở.
Gia đình ông Lê Văn Sở tại thôn 5, xã Nghinh Xuyên trồng 140 gốc bưởi. Hai cây trong số đó là “Cây bưởi khuyến học”. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 300 quả bưởi, thu về số tiền gần 5 triệu đồng từ hai cây bưởi này. Theo thầy Dương, mô hình “Cây bưởi khuyến học” là nét rất riêng của Đoan Hùng. Các cây bưởi khuyến học sẽ được chính con, cháu trong nhà chăm sóc, nuôi bón. Đây vừa là một hình thức tiết kiệm,vừa là một hình thức dạy nghề trồng bưởi truyền thống, tạo cho các thế hệ kế cận sự gắn bó và tình yêu với loại đặc sản đặc biệt của quê hương. Phong trào “Cây bưởi khuyến học” xuất phát và lớn mạnh từ xã Nghinh Xuyên, nay đã lan rộng khắp các xã Phong Phú, Bằng Luân, Phương Trung, Chí Đám....
Từ kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các hoạt động khuyến học, thầy Dương thấy rằng muốn phong trào đạt được hiệu quả thì phải gắn với phương thức đầu tư tại chỗ. Tức là tiết kiệm tại nơi ở, nơi công tác với thời gian tích lũy dài, số tiền không quá lớn - mới phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thứ hai, đó chính là việc xây dựng các mô hình học tập như trung tâm học tập cộng đồng, dòng học học tâọ, gia đình học tập... đều phải tập trung xây dựng thành công tại một thí điểm rồi mới nhân rộng ra các nơi khác.
Với tầm nhìn xa trông rộng, cách làm sáng tạo phù hợp với thực tế - thầy Nguyễn Trọng Dương đã dẫn dắt phong trào khuyến học của Đoan Hùng trở thành một trong những đơn vị đi đầu của khuyến học tỉnh. Suốt 15 năm dài, bằng tình yêu vô bờ với con trẻ và tâm huyết quyết tâm dựng xây quê hương thành một miền “hiếu học”; thầy Dương đã truyền và nhân lên niềm đam mê của mình tới với biết bao con người, khích lệ biết bao số phận vươn lên để đón chờ một tương lai tươi sáng.
Hoikhuyenhoc.vn