Chuyên gia Nga nhận định về việc Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Quốc tế 15/02/2019 15:15
Trong những ngày này, cả thế giới đều đang hướng về Việt Nam và dõi theo cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2 tới, bàn bạc về những bước đi tiếp theo nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Là một trong 6 bên gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào quá trình đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong những năm qua, Nga cũng hết sức quan tâm đến cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga với ông Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp - Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
PV: Thưa ông Grigory Lokshin, ông có suy nghĩ như thế nào về Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng này?
Ông Lokshin:
Đây là sự kiện rất quan trọng trong đời sống quốc tế và thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng đã đạt được thỏa thuận tiến hành cuộc gặp lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội. Hà Nội được coi là nơi thuận tiện nhất và được cả hai bên chấp nhận. Cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 27-28/2 này có ý nghĩa to lớn đối với an ninh khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, vào năm 2003, như đã biết, Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân, do đó đã xuất hiện mối nguy hiểm về phổ biến vũ khí tiêu diệt hàng loạt ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng và toàn thế giới nói chung. Điều này là bởi vũ khí hạt nhân, trong mắt của giới lãnh đạo Triều Tiên là chìa khóa để bảo vệ chế độ của nước này khỏi áp lực từ Hàn Quốc và từ Mỹ - những nước duy trì sự căng thẳng ở khu vực để biện minh cho sự có mặt của hàng chục nghìn lính Mỹ tại Hàn Quốc hay tại các căn cứ quân sự của Nhật Bản. Điều này gây ra tình hình hết sức căng thẳng ở Đông Bắc Á.
Đối với các nước láng giềng khác, trong đó có Việt Nam-một nước ở Đông Nam Á cũng phải chịu những tác động lớn. Không phải ngẫu nhiên mà các nước ASEAN đã nhiều lần thảo luận về vấn đề này.
Diễn đàn khu vực về vấn đề hòa bình và an ninh của ASEAN là nơi duy nhất hiện nay và là cấu trúc duy nhất trên thế giới mà các đại diện của Hàn Quốc và Triều Tiên thường xuyên gặp gỡ. Đó cũng là nơi mà vấn đề tìm ra biện pháp chính trị và hòa bình cho hai miền Triều Tiên đã nhiều lần được đặt ra.
Việc lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều cho thấy Việt Nam đang có một vị trí đặc biệt trong cộng đồng thế giới. Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã diễn ra ở Singapore trong thời điểm nước này là Chủ tịch của ASEAN. Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 chọn Hà Nội, Việt Nam là nơi tổ chức vì trước hết, Việt Nam sẽ đảm bảo được an ninh và tạo mọi điều kiện cần thiết cho cuộc gặp này. Bởi vậy, xét từ quan điểm này, Việt Nam hiện đang là trung tâm chú ý của cả thế giới. Đây là thời điểm rất quan trọng và cũng đòi hỏi nhiều trách nhiệm từ phía Việt Nam.
PV: Vậy theo ông, Việt Nam có vai trò và vị thế như thế nào khi được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp này?
Ông Lokshin:
Thứ nhất, việc Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp đã nói lên nhiều điều. Trước hết, nó cho thấy Việt Nam đang có uy tín như thế nào trên trường quốc tế. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã giành được sự tin cậy chiến lược ở khu vực. Do đó, vai trò đáng kể này sẽ giúp củng cố vị trí của chính Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong cộng đồng thế giới.
Thứ hai, điều này nói lên rằng, chính sách đổi mới, mở cửa mà Việt Nam tiến hành trong những năm qua là thành công và hiệu quả. Liên quan đến điều này, tất nhiên, rất quan trọng, đó là Việt Nam đã có cơ hội hỗ trợ ở mức độ nhất định hoặc có ảnh hưởng tích cực trong việc giải quyết vấn đề của Triều Tiên.
Giải phóng Bán đảo Triều Tiên khỏi các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt là vấn đề phức tạp. Trong nhiều năm, đã có nhiều cuộc đàm phán, trong đó có cuộc đàm phán 6 bên gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nhưng vấn đề Triều Tiên vẫn chưa giải quyết được. Trong tình hình căng thẳng gia tăng, vai trò của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này được đánh giá là vô cùng quan trọng. Giống như nhiều nước khác, Việt Nam kiên định việc đảm bảo giải pháp hòa bình và chính trị cho vấn đề này.
PV: Với vai trò, vị thế của Việt Nam như vậy, ông có nghĩ rằng, vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ được giải quyết?
Ông Lokshin:
Hy vọng là có, nhưng tôi nhấn mạnh rằng, vấn đề này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và ý chí chính trị từ tất cả các bên. Dù chỉ là dự đoán nhưng giải quyết mọi thứ trong một cuộc gặp là rất khó và phi thực tế. Tuy nhiên, nếu các bên tiếp tục tiến về phía trước thì tôi cho là sẽ làm được, bởi vì vấn đề này đã có những điều kiện tiên quyết được xác định.
Nếu nói về người dân Triều Tiên, điều gì là quan trọng nhất đối với họ? Đó là cuộc sống bình yên, không bị can thiệp vào công việc nội bộ. Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền. Bởi vậy, tất cả các bên phải sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đất nước Triều Tiên được bước ra vũ đài quốc tế, được tham gia vào các lĩnh vực thương mại hoặc tương tự như thế.
Để làm được điều đó, Triều Tiên cũng cần dỡ bỏ mối nguy hiểm đối với các nước khác về vũ khí hạt nhân. Như vậy đôi bên cần có cách tiếp cận gần gũi, và cần có ý chí chính trị, sự hỗ trợ của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
PV: Theo ông, Việt Nam có thể đạt được gì, sau sự kiện này?
Ông Lokshin:
Việc Việt Nam tổ chức cuộc gặp quan trọng này đã nói lên rằng đây là một đất nước có uy tín, được tôn trọng, là thành viên của cộng đồng thế giới và là đối tác triển vọng của nhiều nước. Tổ chức sự kiện này cũng giúp nền kinh tế Việt Nam thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đem tới nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.