Chương trình ETEP hỗ trợ “bảo hành” sản phẩm đào tạo
Giáo dục 25/12/2018 14:09
Sự lan toả bước đầu
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trên thực tế, các trường Sư phạm xây dựng chương trình đào tạo giáo viên và cũng là người trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo. Vì vậy, trường Sư phạm có trách nhiệm chính trong công tác bồi dưỡng, đặc biệt là việc tham gia xây dựng nội dung chương trình và tài liệu bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và CBQL.
Mặt khác, các trường này còn có đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đội ngũ chuyên gia giáo dục đầu ngành, hầu hết tâm huyết với nghề dạy học là lực lượng quyết định chất lượng của hoạt động bồi dưỡng; là nơi được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học khá đồng bộ. Do đó, đây sẽ là địa chỉ tin cậy đối với đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục khi tham gia hoạt động bồi dưỡng.
Đối với việc bồi dưỡng theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông Hoàng Đức Minh, các trường Sư phạm "nòng cốt" và Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình Phát triển các trường Sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) sẽ được Bộ GD&ĐT chỉ định là nơi bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán. Đối với việc bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực đội ngũ, các trường tham gia Chương trình ETEP chủ động phối hợp với các sở GD&ĐT (như là các bên cung ứng dịch vụ) để thực hiện hàng năm theo nhu cầu của giáo viên và CBQL giáo dục ở các địa phương.
Là một trong những đơn vị chủ chốt được nâng cao năng lực để đảm nhận việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ cho đội ngũ nhà giáo trên địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Trường ĐH Vinh đã nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình ETEP đối với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, sứ mệnh của nhà trường đối với đổi mới giáo dục ở khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Chia sẻ của GS.TS, Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa, ngay từ đầu năm 2017, Trường ĐH Vinh đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ trong đổi mới cơ chế quản trị và đảm bảo chất lượng nhà trường. Với nguồn kinh phí của Chương trình ETEP, nhà trường đã rà soát, điều chỉnh và thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn tới năm 2035 với mục tiêu trở thành trường ĐH trọng điểm quốc gia; trung tâm hàng đầu về đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giáo dục ở khu vực Bắc Trung Bộ, trên cả nước cũng như khu vực châu Á và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Với sự đầu tư của Chương trình ETEP, trong năm 2017 và 2018, Nhà trường cũng đã nâng cao năng lực CNTT. Hạ tầng CNTT được đầu tư, hệ thống phần mềm về ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến e - learning; xây dựng cơ sở dữ liệu về giảng viên, người học; xây dựng hệ thống lấy ý kiến các bên liên quan về hoạt động của nhà trường... đã được đưa vào sử dụng và bước đầu có hiệu quả.
"Có thể nói, Chương trình ETEP đã thổi vào Trường ĐH Vinh một diện mạo mới; sức lan tỏa của Chương trình được nhà trường triển khai đã bước đầu tác động đến địa bàn Bắc Trung Bộ. Năng lực của nhà trường được nâng cao trên mọi phương diện, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đầu tàu trong bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực cho giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn Bắc Trung Bộ và cả nước.
Những hiệu ứng của Chương trình ETEP đã bước đầu lan tỏa trong đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, hứa hẹn những thành quả tốt đẹp trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà" - GS Đinh Xuân Khoa nhận định.
Trường Sư phạm cần tiếp tục đổi mới nhiều khâu trong quá trình đào tạo
Theo PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng - các hoạt động của nhà trường trong khuôn khổ Chương trình ETEP đến nay đã hoàn thành nhiều nội dung, yêu cầu của dự án:
Kế hoạch chương trình đã được phê duyệt; các bước điều tra, khảo sát thực trạng nhu cầu đội ngũ giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện; chương trình, các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên và CBQL đã được xây dựng xong; đội ngũ giảng viên tham gia bồi dưỡng đã được chuẩn bị; cơ sở vật chất thiết bị, phần mềm dạy học trực tuyến đang được gấp rút hoàn thiện để có thể bắt đầu triển khai bồi dưỡng giáo viên và CBQL trong năm 2019.
"Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị bài bản và chu đáo như vậy, Chương trình ETEP sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn" - PGS.TS Lưu Trang đánh giá.
Tuy nhiên, để hoạt động bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục hiệu quả, để trường Sư phạm thực hiện thành công sứ mệnh "bảo hành sản phẩm", ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục - cho rằng, các trường Sư phạm cần đổi mới nhiều khâu trong quá trình đào tạo.
Trong đó, cần chú trọng đổi mới công tác bồi dưỡng, đặc biệt là công tác phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các nhà trường để hỗ trợ, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên; coi trọng hình thức tổ chức bồi dưỡng tại chỗ; tổ chức tốt hoạt động của mạng lưới chuyên gia và đội ngũ cốt cán hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý tự bồi dưỡng để có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Mặt khác, cần đổi mới cách thức xây dựng, phát triển chương trình bồi dưỡng dựa trên kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ nhà giáo, xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên phù hợp với yêu cầu của giáo dục phổ thông, mầm non;
"Trường Sư phạm cũng cần chú trọng đổi mới các điều kiện của công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ); phấn đấu trở thành đơn vị đầu mối trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên; phải bám sát địa phương để tư vấn hỗ trợ họ trong hoạt động bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của địa phương, của các giáo viên, CBQL" - ông Hoàng Đức Minh cho hay.
Dân Trí