Chung tay xây dựng Thủ đô của lương tri và phẩm giá
Vấn đề hôm nay 13/10/2023 13:48
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tham dự có ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT TP Hà Nội; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP; lãnh đạo quận Long Biên; Hội NCT các quận, huyện và cơ sở; đại diện các gia đình văn hóa tiêu biểu...
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm thực hiện Kế hoạch số 250 ngày 27/9/2022 của UBND thành phố; Kế hoạch số 616 ngày 12/9/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa năm 2023 trên địa bàn Thủ đô.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đều nhấn mạnh: Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam. Xây dựng gia đình là một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của đất nước và Thủ đô, là trách nhiệm chung của mỗi người, mỗi cấp, ngành. Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường và áp lực cuộc sống khu vực đô thị, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung có biểu hiện xuống cấp đã trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình. Từ năm 2018 – 2022, có 711 vụ bạo lực gia đình về tinh thần, thân thể, tình dục, kinh tế; nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng ban Thường trực BĐD Hội NCT TP Hà Nội chủ trì phần thảo luận |
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của thành phố luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kì mới là nội dung quan trọng trong chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của BCH Đảng bộ thành phố khóa XVII…
Năm 2019, TP Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; chọn phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì) triển khai. Năm 2021, thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện (Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất) làm căn cứ nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Kết quả năm 2022, toàn thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0,5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kết luận Hội nghị |
Mục đích của việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Kết luận Hội nghị, bà Trần Thị Vân Anh cảm ơn, nhấn mạnh vai trò các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhất là Hội NCT, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên của Thủ đô đã chung tay xây dựng hàng vạn, hàng triệu Gia đình văn hóa; để “siêu đô thị” Hà Nội vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; xây dựng người Thủ đô thanh lịch, hào hoa; xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá trong mắt bạn bè quốc tế…