“Châu lục Đen” và nỗi ám ảnh Covid-19
Câu chuyện quốc tế 04/05/2020 09:11
Nhiều nước châu Phi hiện có số ca mắc COVID-19 không đáng kể và thực sự thấp hơn rất nhiều nếu so với các tâm dịch như Mỹ, các nước châu Âu hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, những con số trên không mô tả được hết bức tranh thực tế về nỗi ám ảnh COVID-19 ở “lục địa Đen”. Nói cách khác, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở châu Phi diễn ra chậm hơn so với các châu lục khác, nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sớm đưa ra cảnh báo rằng hệ thống y tế ở châu Phi không được trang bị đầy đủ để đối phó với SARS-CoV-2. Nhiều ý kiến cho rằng sau châu Âu và Mỹ, châu Phi sẽ là “điểm nóng” tiếp theo trên bản đồ dịch COVID-19 của thế giới.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, châu lục với 1,3 tỉ dân này hiện cần tới 74 triệu bộ kit xét nghiệm COVID-19 và 30.000 máy thở chỉ trong năm nay để chống dịch. Tuy nhiên, 41 nước ở châu Phi mới chỉ có gần 2.000 máy thở và có tới 10 nước hoàn toàn không có máy thở.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một bến xe ở Mamelodi East, Nam Phi. Nguồn: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế ở châu Phi thiếu cả giường bệnh chuyên dụng với các thiết bị dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19, cũng như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ… WHO cho biết, tỉ lệ giường bệnh ở châu Phi là gần 5 giường/1 triệu người, chênh lệch rất xa so với mức gần 4.000 giường bệnh/1 triệu người ở các nước châu Âu.
Hiện hơn 70 nước trên thế giới đã ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu vật tư, thiết bị y tế. Trong khi đó, châu Phi nhập khẩu trên 90% các loại thuốc men và thiết bị y tế.
Tỉ lệ bác sĩ ở châu Phi thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình 1 bác sĩ/1.000 người dân, trong khi tỉ lệ này của Liên minh châu Âu (EU) là 37 bác sĩ/1.000 người dân. Hơn nữa, biên giới trên bộ giữa một số nước châu Phi rất mờ nhạt, điều này có nghĩa là virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục lây lan từ nước này sang nước khác một cách dễ dàng.
Những bất ổn về kinh tế, tình trạng thất nghiệp tăng cao đột biến do dịch COVID-19 gây ra có thể làm nảy sinh sự thất vọng hay bất mãn trong dân chúng, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội, kéo dài các cuộc nội chiến, thậm chí có thể dẫn tới các cuộc đảo chính - hiện tượng phổ biến ở nhiều nước châu Phi.
Hiện các nước châu Phi đã áp dụng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại hay phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là một khó khăn mang tính đặc thù của châu Phi. Đối với người lao động nghèo, ở nhà chống dịch là điều gần như không thể thực hiện được khi nó đồng nghĩa với không có thu nhập, không có bữa ăn hằng ngày. Chiếc khẩu trang - vật dụng tưởng chừng đơn giản và rẻ tiền nhưng giá còn đắt hơn một bữa ăn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cảnh báo dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng kép ở châu lục này, bao hàm cả lĩnh vực y tế, kinh tế cũng như an ninh. Theo ACDC, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động đầy đủ như mong đợi để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với mối đe dọa của dịch COVID-19.
WHO ước tính nếu không sớm tìm mọi cách ngăn chặn tốc độ lây lan của COVID-19, số ca nhiễm ở châu Phi có thể tăng lên 10 triệu người trong vòng từ 3-6 tháng tới và ít nhất 300.000 người sẽ tử vong. Điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, hành động nhanh chóng của chính phủ các nước khu vực trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, một lần nữa châu Phi lại cần đến sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để “lục địa Đen” không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” của cả thế giới.