Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ các xe tự chế chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường
Tin tức 15/06/2024 16:46
Trong thời gian gần đây, trên các tuyến đường của TP. Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều các loại xe lôi, xe kéo, xe 3, 4 bánh tự chế, v.v lưu thông chở hàng hóa vi phạm luật giao thông đường bộ. Mặc dù đã bị cấm và thường xuyên được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến và bị xử lý nghiêm, nhưng hiện nay các xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn lưu thông trên các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, làm mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT) trên đường.
Những chiếc xe tự chế, chở hàng cồng kềnh bất chấp nguy hiểm |
Qua công tác tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT, CATP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều trường hợp tài xế điều khiển xe lôi, xe kéo, xe 3-4 bánh tự chế nhưng không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với lại xe có quy định phải có kiểm định, xe không có gương chiếu hậu, không có thắng, đèn, còi, v.v. Các xe này thường xuyên chở hàng hóa cồng kềnh, vượt quá khổ giới hạn của phương tiện, chạy tốc độ cao, đi vào đường cấm, len lỏi vào dòng phương tiện xe 2 bánh.
Trên thực tế, người thường sử dụng xe tự lắp ráp, tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật để vận chuyển hàng hóa nhằm giảm chi phí chủ yếu là người dân lao động nghèo, bán hàng rong, cuộc sống khó khăn, vất vả.
Vào thời gian đầu thực hiện quy định "đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh" tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo đang sử dụng các loại phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế có điều kiện chuyển đổi ngành nghề khác, loại phương tiện khác nhằm tiếp tục ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo; Ủy ban nhân dân Thành phố đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, từ lúc chính sách hết hiệu lực cho đến nay đã hơn 11 năm, nhưng không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe lôi, xe kéo, xe 3 - 4 bánh tự chế vẫn còn lưu thông trên các tuyến đường gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan của Thành phố. Không chỉ vậy, tình trạng người điều khiển xe tự chế chạy với tốc độ cao, lạng lách, vượt đèn đỏ, v.v diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ dẫn đến TNGT.
Những hiểm họa do các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây ra là rất lớn.
Xuất phát từ tình hình giao thông phức tạp do xe tự chế gây ra, lực lượng CSGT TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong quần chúng nhân dân. Do người dân sử dụng loại phương tiện này phần lớn là người lao động, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật chưa cao, vì vậy để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, lực lượng CSGT sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền hướng đến đối tượng này.
Trong đó, nội dung tuyên truyền sẽ tập trung thể hiện những tiềm ẩn nguy hiểm và những vụ TNGT điển hình liên quan đến loại phương tiện này, hình thức xử phạt đối với các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đường bộ, v.v từ đó giúp cho người dân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trên đường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường bộ.
Phòng CSGT thường xuyên tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm những trường hợp điều khiển xe tự chế, không đảm bảo ATKT lưu thông trên đường |
Việc tăng cường công tác xử lý xe lôi, xe 3-4 bánh tự chế vi phạm Luật giao thông là một chuyên đề thường xuyên của Phòng CSGT, nằm trong các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Có thể nói công tác kiểm tra, xử lý đối với xe 3-4 bánh tự chế vi phạm trên địa bàn Thành phố là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục, đòi hỏi cần phải có sự chung tay tham gia của ban ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị Công an địa phương và các đơn vị nghiệp vụ, cũng như sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, các doanh nghiệp và chủ cửa hàng kinh doanh, v.v.
Trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt vai trò của mình, và thực hiện thống nhất, có hiệu quả từ giải pháp thay đổi nghề nghiệp cho người dân, bố trí phương tiện thay thế, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức giao thông, xử lý vi phạm, v.v. Các cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm tra, xử phạt ngay từ các cơ sở sản xuất, chế tạo, mua bán, kinh doanh loại hình phương tiện này, cam kết không sản xuất, giao dịch loại xe này. Việc xử lý triệt để từ "gốc" sẽ khiến nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông từ loại hình xe tự chế này giảm đáng kể.
Rất mong người dân chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không sử dụng phương tiện xe lôi, xe 3-4 bánh tự lắp ráp hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đừng vì mưu sinh, kiếm sống cho bản thân và gia đình mình mà bất chấp quy định của pháp luật, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người khác.
Để tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), khi có thông tin về tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông…, hay để phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn Thành phố, người dân có thể liên hệ qua số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 069.318.7521 hoặc qua số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08 để Phòng CSGT tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng. |