Trong tiến trình đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, những năm gần đây, các cấp, các ngành đều định kì lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo và cán bộ giữ các trọng trách. Lần này, Quốc hội khóa XIV tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 đại biểu giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
|
Đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm 48 chức danh. Ảnh VNN |
Công khai, minh bạch chính là nhằm tạo ra một không khí dân chủ, công bằng, cởi mở trong đời sống chính trị, xã hội của Đất nước. Vì thế, mỗi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm có giá trị như một cuộc “sát hạch”. Nhưng muốn “sát hạch” chính xác, đạt chất lượng cao, người đưa ra lá phiếu phải nghiên cứu nghiêm túc từng chức danh được lấy tín nhiệm; lá phiếu phải khách quan, khoa học, công tâm, công bằng. Mỗi đại biểu cầm lá phiếu phải trong tâm thế “người thầy”, “bao công” để “chấm điểm”. Cần loại trừ quan hệ tình cảm cá nhân khi lấy phiếu tín nhiệm. Bởi mỗi lá phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của chức danh được lấy phiếu và phải xem lá phiếu của mình là một phần sinh mệnh của quốc gia, của lợi ích đất nước.
Trong thời kì đổi mới, hội nhập, nước ta đang ngày càng có nhiều “tư lệnh ngành” tài giỏi. Điều đó cho thấy sự sáng suốt của mỗi đại biểu Quốc hội khi cầm lá phiếu bầu được người có đức, có tài. Nhiều chức danh lãnh đạo đã dần hội đủ tinh thần, thái độ làm việc khoa học; có tầm nhìn, có phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; có bản lĩnh chính trị vững vàng. Phải khẳng định, vận mệnh của đất nước thành hay bại, sự phát triển của mỗi ngành cao hay thấp đều có dấu ấn và vai trò cá nhân của “tư lệnh ngành” quyết định. Tuy nhiên, nếu vị lãnh đạo bộ, ngành nào không được Nhân dân đánh giá cao, để tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp thì người đó nên làm quen với “văn hóa từ chức”. Trường hợp phiếu tín nhiệm quá thấp, Quốc hội phải buộc các cá nhân đó thôi vị trí lãnh đạo.
Trong thời kì đổi mới, phát triển hiện nay, “sát hạch” là việc rất nên làm. Nhân dân cũng rất mong những cuộc “sát hạch” cán bộ lãnh đạo cần bài bản, rộng rãi hơn, thường xuyên hơn, cả định kì và đột xuất, nhất là trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Qua “sát hạch”, cần “sàng lọc” để chọn những cán bộ thực sự vì dân vì nước.
Nhân dân và cử tri cả nước rất kì vọng vào đợt “sát hạch” này chắc chắn sẽ đạt chất lượng cao vì các đại biểu có sự chuẩn bị tốt hơn, nhận được hồ sơ của các chức danh sớm, có thời gian nghiên cứu kĩ cùng với bản lĩnh, sự công tâm của mỗi đại biểu Quốc hội.
Mỗi lần “sát hạch” là một lần người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn “nhìn lại mình” để phục vụ Tổ quốc và Nhân dân tốt hơn, xứng đáng với sự tin cậy và yêu mến của cử tri cả nước./.
Tường Minh