Cân nhắc hoạt động khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành kinh tế xanh
Sự kiện 03/03/2023 08:55
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 12 quy hoạch liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nhóm/loại khoáng sản khác nhau, được thực hiện trong những năm qua, đã đánh giá tác động của việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ sinh thái. Các quy hoạch cũng phân tích đánh giá chủ trương, định hướng phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng các loại khoáng sản.
Tuy nhiên, công tác chế biến khoáng sản kim loại chưa thực hiện được theo các quy hoạch đã phê duyệt trước đó với tỉ lệ thực hiện thấp (khai thác bauxite đạt 33%, titan 25%, chì-kẽm 27%, sắt 30%, cromit và mangan 0%...).
Ảnh minh hoạ |
Trong khi đó, dự báo nhu cầu nguyên liệu khoáng sản trong nước tăng trung bình 6,5%/năm theo tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu khoáng sản kim loại trên thế giới. Xu hướng tăng về nhu cầu và giá các kim loại cơ bản, kim loại hiếm, nguyên liệu khoáng khác phục vụ công nghệ điện tử, pin năng lượng… có nguy cơ thiếu hụt.
Do đó, việc xây dựng Quy hoạch nhằm thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả lợi ích KT-XH và bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư các dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản chiến lược có quy mô lớn, sử dụng khoáng sản hợp lí, hiệu quả và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác, bảo đảm nguồn khoáng sản dự trữ quốc gia.
Dự kiến, tổng số vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản trong giai đoạn 2021-2030 và 2030-2050 khoảng 661.000 tỉ đồng. Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện về pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học-công nghệ và môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; đáp ứng nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà phản biện đánh giá dự thảo Quy hoạch tuân thủ quy trình lập, trình tự thẩm định theo quy định của pháp luật; thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản pháp lí, tiêu chuẩn mới nhất, bổ sung định hướng về đánh giá tác động môi trường và cải tạo phục hồi môi trường của các dự án phục hồi thăm dò; quản lí chặt chẽ các biện pháp cải tạo môi trường đối với từng loại hình khoáng sản, công nghệ khai thác áp dụng; xem xét các mục tiêu tăng trưởng sản lượng alumin; cân nhắc giữ lại các quy định về công suất tối thiểu của dự án đầu tư chế biến quặng titan…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến phản biện, đề xuất tâm huyết và nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý đối với Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch. Cụ thể, Quy hoạch cần chú ý hơn nữa yêu cầu về công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản để đánh giá kĩ hơn trữ lượng, quy mô khoáng sản, nhất là những tài nguyên, khoáng sản đi kèm.
Để giải quyết bài toán kinh tế và môi trường, phải cân nhắc hoạt động khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành kinh tế xanh khác. Đối với những mỏ khoáng sản có thể bảo vệ, lưu giữ được, không bị huỷ hoại bởi các hoạt động kinh tế khác thì phải để dành cho thế hệ mai sau. Không khai thác khoáng sản nếu phá vỡ cảnh quan hoặc ở những nơi có thể phát triển các hoạt động kinh tế hiệu quả hơn, thân thiện hơn, xanh hơn, không hi sinh lợi ích người dân.
Trao đổi về một số kiến nghị, đề xuất cụ thể của các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch phải có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể triển khai các hoạt động KT-XH mà không ảnh hưởng đến các mỏ khoáng sản dự trữ lâu dài; thực hiện khai thác theo hình thức "cuốn chiếu" để trả lại diện tích thực hiện các hoạt động kinh tế khác…